Xu hướng kinh doanh mới và bước chuyển mình cho doanh nghiệp Việt
Sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành bán lẻ với xu hướng đa kênh, thanh toán không tiền mặt và ứng dụng công nghệ ngày càng phổ biến. 59% nhà bán hàng rất lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2025 và muốn mở rộng kinh doanh thay vì tiết kiệm chi phí.
Xu hướng đa kênh
Kết quả khảo sát từ 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc của Công ty CP Công nghệ Sapo phản ánh bức tranh kinh doanh bán lẻ trong năm 2024 với nhiều điểm sáng và thách thức. 33% nhà bán hàng ghi nhận doanh thu tăng trưởng, cao hơn mức 25% của năm 2023. Báo cáo chỉ ra sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành bán lẻ với xu hướng đa kênh, thanh toán không tiền mặt và ứng dụng công nghệ ngày càng phổ biến.
Theo nhận định tình hình kinh doanh 2024 của nhóm có doanh thu tăng trưởng tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (67%), quy mô nhân sự chủ yếu dưới 5 người, có mức doanh thu phổ biến vượt 500 triệu đồng/tháng, nhờ tận dụng tốt bán đa kênh và các hình thức quảng cáo trực tuyến.
Đây là nhóm bán hàng đa kênh chuyên nghiệp và có chiến lược phát triển kinh doanh rõ ràng, khi chú trọng đầu tư giải pháp để tối ưu hiệu quả quảng cáo, năng suất làm việc của nhân sự và khai thác tối đa doanh thu thông qua việc khuyến khích khách hàng mua thêm hoặc nâng cấp sản phẩm. Ngành hàng thời trang, đồ gia dụng và thực phẩm đóng góp tỷ lệ tăng trưởng cao nhất nhờ sức mua ổn định và chương trình khuyến mãi linh hoạt.
Hơn 80% nhóm có doanh thu tăng trưởng đang lạc quan và kỳ vọng thị trường tiến triển tốt trong năm 2025. Nhiều nhà bán hàng có kế hoạch phát triển các chiến lược mới như livestream chốt đơn, mở rộng kinh doanh trên nền tảng xã hội.
55,7% nhóm nhà bán hàng tăng trưởng doanh thu đang áp dụng mô hình đa kênh, với doanh thu phần lớn nằm trong khoảng 200 triệu - 1 tỷ đồng/tháng.
Giám đốc Tăng trưởng Sapo Lê Thị Dung chia sẻ, nhà bán hàng không chỉ hiện diện đa kênh mà còn tích hợp sâu giữa các kênh, lấy người mua làm trung tâm để tạo trải nghiệm liền mạch, nâng cao cạnh tranh và doanh thu. Hợp kênh giúp tập trung dữ liệu khách hàng để tăng tỷ lệ mua lại và tối đa hóa doanh thu.
Theo kết quả khảo sát, 77% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất một kênh bán hàng trực tuyến (TMĐT/mạng xã hội/website/cộng tác viên affiliate/dropship,...), với quy mô phổ biến là từ 1 - 5 gian hàng (chiếm gần 90%).
100% dự định 2025 đều nhắc đến việc mở rộng kênh bán trực tuyến như TikTok Shop, Shopee, Facebook,... Điều này cho thấy nhà bán hàng vẫn xem các kênh online là trọng tâm, khẳng định vị thế của TMĐT trong bán lẻ hiện đại.
Với bán hàng qua livestream, năm 2024, dựa vào việc kết hợp với các nền tảng quản lý bán hàng như Sapo, Meta đã chính thức ra mắt Facebook LiveShopping - tính năng cho phép nhà bán hàng vừa phát trực tiếp vừa gắn giỏ hàng để người mua chọn sản phẩm và thanh toán nhanh chóng ngay trong phiên.
Theo Giám đốc Sapo Social Commerce & Shipping Lê Thị Nga, các buổi livestream có nội dung sáng tạo và tương tác với khách hàng qua minigame có thể tăng tỷ lệ xem đến 35% so với các buổi chỉ giới thiệu sản phẩm thông thường. Khi kết hợp với các dịch vụ vận chuyển nhanh và chính xác, nhà bán hàng sẽ tạo ra một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ việc tiếp cận khách hàng đến giao hàng tận nơi, giúp tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng.
Thanh toán không tiền mặt đã trở thành tất yếu. Đó là yêu cầu buộc các nhà bán hàng linh hoạt ứng dụng để tạo ra trải nghiệm tốt cho người mua hàng và tối ưu vận hành. 94,4% nhà bán hàng chấp nhận ít nhất một phương thức thanh toán không tiền mặt, trong đó chuyển khoản qua VietQR, hay số tài khoản ngân hàng đang được ưa chuộng nhất (91%) vì sự tiện lợi và đối soát nhanh chóng.
“Ngày nay, nhu cầu không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn phương thức thanh toán, mà đòi hỏi nhà bán hàng phải tích hợp các phương thức thanh toán vào hệ thống quản lý bán hàng nhằm tạo ra trải nghiệm mua hàng liền mạch” - Giám đốc Khối Tài chính số Công ty CP Công nghệ Sapo Vũ Thị Hiền nói.
Trong khi đó, Giám đốc Công nghệ (CIO) của Công ty CP Công nghệ Sapo Nguyễn Minh Khôi nhấn mạnh, đầu tư vào các giải pháp công nghệ hiện đại, đặc biệt là phần mềm quản lý bán hàng tích hợp AI, là yếu tố then chốt để tối ưu hóa quy trình vận hành và nâng cao hiệu suất kinh doanh.
Công nghệ AI giúp tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại, cung cấp khả năng phân tích dữ liệu sâu, dự đoán xu hướng và tối ưu hóa chiến lược bán hàng. Đặc biệt, việc đào tạo đội ngũ bán hàng để khai thác hiệu quả những lợi ích của AI giúp doanh nghiệp tạo ra sự đột phá trong kinh doanh và đạt được những thành công vượt trội.
Công nghệ là cốt lõi
59% nhà bán hàng rất lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2025. Đa số nhà bán hàng muốn mở rộng kinh doanh thay vì tiết kiệm chi phí: 46% muốn mở thêm kênh bán, 45,8% dự định sẽ đa dạng mặt hàng và 30,8% muốn mở rộng quy mô, thêm chi nhánh, nhân viên.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, mở rộng kênh bán hàng là chiến lược trọng tâm của 2025, bao gồm mạng xã hội (28%), sàn TMĐT (23%) và TikTok Shop (21%). Để bắt nhịp nhanh chóng với thị trường và đạt được mục tiêu doanh thu như kỳ vọng, nhà bán hàng nên ưu tiên áp dụng công nghệ và chăm sóc khách hàng trong mức phù hợp với ngân sách, đảm bảo được lợi nhuận và chi phí không bị đội lên quá cao.
Trong đó, nhà bán hàng nên cân nhắc giải pháp công nghệ phù hợp với quy mô và khả năng tài chính, đồng thời dễ dàng mở rộng tính năng khi cần thiết. Đầu tư công nghệ có thể giúp giảm bớt gánh nặng chi phí nhân sự và tạo ra hiệu quả doanh thu cao hơn. Nhu cầu tất yếu của phần lớn nhà bán hàng là tích hợp các hệ thống công nghệ lên phần mềm quản lý bán hàng, từ CRM quản lý thông tin khách hàng hay quản lý hoá đơn điện tử đến quản lý nhân sự, chấm công, tính lương. Một công cụ có thể giải quyết nhiều bài toán cho nhiều mô hình, từ cá nhân, hộ kinh doanh đến doanh nghiệp.
Thay vì chạy theo các chương trình chăm sóc khách hàng tốn kém, nhà bán hàng có thể triển khai các hình thức khuyến mại nhỏ như giảm giá theo combo sản phẩm hoặc tặng quà đi kèm chi phí thấp. Những chương trình đơn giản nhưng nhắm đúng nhu cầu khách hàng có thể làm tăng tần suất mua sắm đáng kể. Với nhà bán hàng nhỏ lẻ, các chương trình giảm phí vận chuyển nội thành hoặc khuyến mại giờ vàng cũng có thể mang lại hiệu quả mà không cần chi tiêu quá lớn.
Tăng cường khai thác thương mại xã hội (social commerce) để giảm áp lực thuế phí, sáng tạo nội dung, tận dụng các nguồn quảng bá chi phí thấp: Nhà bán hàng nhỏ lẻ có thể tận dụng các buổi livestream, video ngắn hoặc tiếp thị liên kết (affiliate) trên Facebook và TikTok để tương tác trực tiếp với khách hàng, xây dựng uy tín thương hiệu và gia tăng doanh thu mà không cần chi nhiều cho quảng cáo trả phí. Ngoài ra, việc kết hợp các chương trình khuyến mại nhỏ như tặng quà hoặc giảm giá trong phiên phát trực tiếp có thể thu hút nhiều khách hàng tiềm năng hơn, giúp tăng cơ hội chuyển đổi đơn hàng hiệu quả.
Năm 2025 là một năm đầy thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành bán lẻ tại Việt Nam. Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng trong kỷ nguyên số hướng tới hành trình mua hàng liền mạch, giàu trải nghiệm. Họ kỳ vọng vào các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giao hàng nhanh và dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Nhà bán hàng cần tập trung vào chiến lược số hóa, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và linh hoạt thích ứng với xu hướng mới.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam lấy doanh nghiệp làm trụ cột
Kinhtedothi - Nhiều kịch bản được các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước... đưa ra với nhiều giả thiết cho năm 2025. Song đều có chung nhận định, doanh nghiệp là động lực tăng trưởng chính để hiện thực hoá mục tiêu.
Bộ Công Thương xếp đầu các bộ về phục vụ người dân, doanh nghiệp
Kinhtedothi - Với 83,15 điểm, tăng 6,6% so với năm 2023, Bộ Công Thương đứng đầu các Bộ về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024...
Khơi thông dòng chảy chuyển đổi số nâng vị thế cho doanh nghiệp
Kinhtedothi - Chuẩn hoá mô hình nhà máy thông minh từ chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp nâng cao trình độ quản trị và công nghệ, từ đó tăng vị thế, sức cạnh tranh. Song để khơi thông dòng chảy cần sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.