Đội tuyển cũng phải làm kinh tế
Nhiều người than phiền cho HLV Hữu Thắng về việc ông và các học trò thường xuyên phải tập luyện chuẩn bị cho AFF Cup dưới những cơn mưa nặng hạt.
TP Hồ Chí Minh liên tục bị ngập khiến việc di chuyển, sinh hoạt và kế hoạch tập luyện của đội tuyển gặp nhiều khó khăn. Có những hôm, đội phải hoãn tập, hoặc phải chuyển sang tập ở sân cỏ nhân tạo.
Trước tình trạng kế hoạch tập luyện của đội tuyển thường xuyên gặp trắc trở, nhiều người đã trách bộ phận chức năng của VFF đã chọn bừa địa điểm tập huấn và không để tâm đến yếu tố thời tiết. Thế nhưng, câu trả lời của HLV Hữu Thắng khiến tất cả bất ngờ: “Việc đưa đội tuyển đến tập trung tại TP Hồ Chí Minh do ý muốn của nhà tài trợ. Họ muốn đem đội tuyển đến nhiều nơi hơn là chỉ trú quân và thi đấu ở Hà Nội. Và do yếu tố thương quyền, VFF buộc phải hài lòng đối tác đang trả hàng chục tỷ đồng một năm cho mình”.
Việc thi đấu tại TP Hồ Chí Minh giúp cho công tác quảng bá thương hiệu của nhà tài trợ gặp nhiều thuận lợi. Trước giải, họ phải thực hiện một loạt đoạn quay quảng cáo và công đoạn này bắt buộc phải tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, phải kể đến việc, tại TP Hồ Chí Minh, lượng fan của các ngôi sao trẻ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn đông đảo hơn bất cứ nơi nào trên đất nước.
Đội tuyển phải làm hài lòng đối tác thương mại, đó là điều chắc chắn. Không một DN nào bỏ một số tiền lớn ra cho không VFF. Họ phải giành lấy những điều kiện tốt nhất để hình ảnh và thương hiệu của mình có sức lan tỏa trong cộng đồng. Thế nên, việc đội tuyển thi đấu ở những sân có đông khán giả sẽ giá trị hơn rất nhiều những khán đài quạnh vắng tại Mỹ Đình, hay Hàng Đẫy thời gian vừa qua.
Bên cạnh việc phải chiều nhà tài trợ, bản thân VFF cũng phải chú ý đến bài toán kinh tế. Tổ chức ở Mỹ Đình có chi phí thuê sân, an ninh cao hơn TP Hồ Chí Minh rất nhiều. Trong khi đó, khán giả không đến cổ vũ khiến nguồn thu từ bán vé không đáng kể. Mà không nói thì ai cũng biết, VFF coi việc tổ chức các hoạt động thi đấu là cơ hội kiếm tiền chứ không thể mãi móc hầu bao bù lỗ. Họ phải tính toán làm sao cho phù hợp nhất với túi tiền của mình nên việc đưa đội tuyển quốc gia đi thi đấu ở khắp các sân cỏ cả nước là việc buộc phải làm.
Tìm khán giả luôn là bài toán khó với VFF. Mà khán giả quyết định đến nguồn thu của tổ chức này. Nguồn thu đến từ bán vé. Nguồn thu còn đến từ các đối tác thương mại. Nhưng, đối tác thương mại chỉ chi tiền khi các khán đài đầy ắp khán giả, bởi lúc đó, quyền lợi về quảng cáo của họ mới được đảm bảo. Và vì điều này mà VFF phải thay đổi quan điểm trong quá trình tổ chức sự kiện. Họ phải chú trọng đến sức cầu về thị trường để có doanh thu tốt nhất. Điều đó cũng lý giải vì sao thời gian qua, lãnh đạo VFF phải dùng mọi kênh quan hệ để đưa cho được 3 cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường về tham gia tập trung cùng đội tuyển quốc gia.
Đội tuyển quốc gia phải làm kinh tế? Đó là điều tất yếu trong một nền bóng đá chuyên nghiệp khi các đội bóng và bản thân VFF phải tự đứng trên đôi chân của mình.