Đồng Nai: "bát nháo" hoạt động của các bến thủy nội địa
Kinhtedothi - Thời gian qua, tại địa bàn huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), nhiều bến thủy nội địa mặc dù giấy phép hoạt động kinh doanh đã hết thời hạn nhưng thực tế vẫn hoạt động rầm rộ, bất chấp các quy định về an toàn giao thông đường thủy...
Theo quy định tại Nghị định 06/2024/NĐ-CP về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, kể từ ngày 10/3/2024, hoạt động bến thủy nội địa được Sở Giao thông vận tải (GTVT) giao về cho UBND cấp huyện, nơi có thẩm quyền công bố, gia hạn lại hoạt động bến thủy nội địa.
Nhiều bến thủy đã hết hạn trong giấy phép, vẫn hoạt động
Tại địa bàn xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai hiện đang tồn tại nhiều bến thủy nội địa nằm trên sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai) đã hết giấy phép hoạt động.
Trong đó gồm bến thủy nội địa Trúc Phi, bến thủy nội địa Âu Châu, bến thủy nội địa Châu Khang và bến thủy nội địa Bảo Minh Thịnh. Các bên bãi thủy này đã được GTVT tỉnh Đồng Nai bàn giao về cho UBND huyện Nhơn Trạch quản lý, cấp phép hoạt động (theo Nghị định 06/2024/NĐ-CP).
Trên thực tế, các bến thủy tại huyện Nhơn Trạch mặc dù chưa được địa phương (UBND huyện Nhơn Trạch) cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Công an huyện Nhơn Trạch đã kiểm tra và phát hiện có tình trạng các bến thủy nội địa hoạt động không đúng quy định.
Cụ thể, ngày 16/4/2024, qua quá trình kiểm tra, Công an huyện Nhơn Trạch phát hiện Công ty TNHH một thành viên kỹ thuật cơ giới công trình Châu Khang vẫn ngang nhiên hoạt động, khai thác bến thủy nội địa dù đã hết phép nên đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính.
![](https://resource.kinhtedothi.vn/2024/06/04/chau-khang.jpg)
Với lỗi vi phạm trên, ngày 16/5/2024, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH một thành viên kỹ thuật cơ giới công trình Châu Khang, với số tiền 70.000.000đ đồng về hành vi “Khai thác bến thủy nội địa hết thời hạn hoạt động”.
Ông Phạm Xuân Thủy - Phó giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa (Sở GTVT Đồng Nai), cho biết: “Các bến thủy trên đã hết phép hoạt động khai thác bến thủy nội địa từ cuối năm 2023. Các bến thủy hết thời hạn giấy phép hoạt động đã được Cảng vụ đường thủy nội địa lập biên bản, bàn giao cho địa phương quản lý. Khi nào địa phương cấp phép hoạt động trở lại cho các bến thủy nội địa trên thì chúng tôi sẽ kiểm tra, quản lý”.
Bỏ ngỏ trách nhiệm quản lý các bến thủy nội địa
Ông Nguyễn Phan Trong - Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết thêm: trước đây, lực lượng Thanh tra cũng quản lý các bến thủy nội địa. Nhưng từ ngày 10/3/2024 theo quy định tại Nghị định 06/2024 của Chính phủ, thì Thanh tra Sở GTVT không còn chức năng nhiệm vụ quản lý các bến thủy nội địa nữa.
![](https://resource.kinhtedothi.vn/2024/06/04/truc-phi.jpg)
Từ những quy định nêu trên, cho thấy các hoạt động của bến thủy nội địa tại huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua đã bị bỏ ngỏ. Đồng thời, các địa phương cũng chưa có động thái quản lý và cấp phép cho các doanh nghiệp có bến thủy nội địa trên để đảm bảo hoạt động, khai thác theo quy định. Qua quá trình ghi nhận thực tế của phóng viên trong những ngày cuối tháng 5/2024 thì các bến thủy nội địa trên vẫn có dấu hiệu hoạt động.
Trong đó có bến thủy nội địa Châu Khang (thuộc Công ty TNHH một thành viên kỹ thuật cơ giới công trình Châu Khang, có trụ sở tại số 97, đường Lê Hữu Kiều, khu phố 3, phường Bình Trưng Tây, thành phố Thủ Đức). Đây là bến thủy đã bị UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định xử phạt ngày 16/5/2024.
Tương tự, tại các bến thủy: Trúc Phi, Châu Khang, Âu Châu, Bảo Minh Thịnh… trong thời gian qua vẫn hoạt động liên tục. Nhiều sà lan chở vật liệu xây dựng (như cát, sỏi, đá…) liên tục cập cảng và được các phương tiện như xe cẩu, băng tải vận chuyển lên bờ và đưa lên xe ben để vận chuyển đến thị trường tiêu thụ.
Riêng buổi sáng một ngày cuối tháng 5/2024, phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị ghi nhận tại các bến thủy nói trên có hàng chục sà lan cập cảng. Những bãi vật liệu cát được tàu, xà lan vận chuyển đến bến thủy với hàng ngàn khối cát, rồi sau đó được chuyển đi tiêu thụ.
Hoạt động "bát nháo" của các bến thủy nội địa trên địa bàn xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đang tiền ẩn nhiều nguy cơ về an toàn trong giao thông đường thủy, cũng như các quy định đảm bảo an toàn về việc khai thác bến thủy nội địa khi hết phép, và việc kiểm soát khai thác, tập kết khoáng sản tại các bến bãi này.
Theo đó, các cơ quan chức năng của huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cần có sự vào cuộc đồng bộ để đảm an toàn giao thông đường thủy, đảm bảo kiểm soát việc kinh doanh đúng quy định của pháp luật tại các bến thuỷ, không để các bến thủy nội địa hoạt động “chui” dù đã bị xử phạt, dù đã hết giấy phép khai thác.
![Đồng Nai: xem xét kỉ luật cán bộ để xảy ra việc xây dựng trái phép](https://resource.kinhtedothi.vn//2024/05/13/tp-1.jpg)
Đồng Nai: xem xét kỉ luật cán bộ để xảy ra việc xây dựng trái phép
Kinhtedothi - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai vừa công bố Kết luận thanh tra việc sử dụng đất đai, xây dựng, hoạt động kinh doanh tại khu đất 6,74 ha (thuộc ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom).
![Đồng Nai: nhiều cán bộ bị kỉ luật vì liên quan đến sai phạm đất đai](https://resource.kinhtedothi.vn//2024/05/22/chau-1.jpg)
Đồng Nai: nhiều cán bộ bị kỉ luật vì liên quan đến sai phạm đất đai
Kinhtedothi - Ngày 22/5/2024, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với bà Vũ Thị Minh Châu - Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, vì liên quan đến sai phạm trong vụ việc xây 500 căn nhà tại khu dân cư Tân Thịnh (do Công ty LDG làm chủ đầu tư).
![Đồng Nai công bố huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao](https://resource.kinhtedothi.vn//2024/06/03/ntm-xl-2.jpg)
Đồng Nai công bố huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Kinhtedothi - Ngày 3/6/2024, UBND tỉnh Đồng Nai công bố huyện Xuân Lộc đạt chuẩn nông nông thôn mới nâng cao, sau 9 năm huyện này vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Xuân Lộc là huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Nai đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.