Đồng Nai: Ngang nhiên đốn hạ rừng phòng hộ và thách thức cán bộ
Kinhtedothi - Liên quan đến vụ án hình sự vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng phòng hộ Xuân Lộc vừa bị khởi tố, một cán bộ bảo vệ rừng cho biết, thời gian qua có một số người dân đã bất chấp các quy định bảo vệ rừng, thậm chí họ còn thách thức cán bộ.
Đốn hạ rừng phòng hộ để bán củi
Sau khi Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc - Long Khánh (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” xảy ra ngày 21/9/2022 tại Phân trường Trản Táo thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị tiếp tục ghi nhận vụ việc.
Theo cơ quan chức năng, các đối tượng đã thực hiện hành vi vi phạm đốn hạ rừng phòng hộ gồm: Nguyễn Văn Thanh (sinh 1968, nơi ở ấp 4, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai); Vy A Tắc (gọi là Sáng, sinh 1978, nơi ở ấp 3A, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai); Ừng A Phúc (gọi là Diện, sinh 1971, nơi ở ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai); Nguyễn Viết Hùng (sinh 1971, nơi ở ấp 5, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cho biết, mục đích khai thác cắt số cây rừng trên để làm củi bán cho những người có nhu cầu.
Cả 4 đối tượng Thanh, Tắc, Phúc, Hùng đã thừa nhận cùng bàn bạc, cùng thực hiện cắt hạ 85 cây gỗ dầu, sao, muồng. Các đối tượng cũng thừa nhận việc khai thác cây gỗ rừng trồng phòng hộ không thông qua chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc và không có giấy phép khai thác theo quy định.
Về đối tượng bỏ trốn tại hiện trường, qua xác minh là ông Trần Nàm Giểng (sinh sống tại ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc - Long Khánh đã có giấy mời ông Giểng đến làm việc nhưng ông không có mặt. Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc - Long Khánh sẽ tiếp tục mời đối tượng này làm việc để làm rõ vụ vi phạm.
Ngày càng phức tạp và nghiêm trọng
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, tình hình vi phạm về rừng và đất lâm nghiệp, khai thác rừng trồng tại khu vực Phân trường Trản Táo (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý) đã kéo dài hàng chục năm qua. UBND huyện Xuân Lộc, Sở NN&PTNT Đồng Nai cùng các các sở, ngành khác, Công an tỉnh Đồng Nai đã có nhiều buổi làm việc, đối thoại, tham gia tiếp xúc cử tri để trả lời những kiến nghị của người dân nhận khoán trồng và giữ rừng với Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đã trao đổi, chia sẻ với mọi người dân địa phương, về mặt pháp lý toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đang quản lý hiện nay. Trong đó có diện tích của các hộ nhận khoán nêu trên đã đươc UBND tỉnh Đồng Nai giao Lâm trường Xuân Lộc (trước đây) quản lý từ năm 1977.
Cụ thể hơn, diện tích rừng này đã được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) cho Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc (hiện nay) theo Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 3/1/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc công nhận kết quả rà soát, kê khai tình hình sử dụng đất và cấp GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc tại xã Xuân Hòa, xã Xuân Hưng, xã Xuân Tâm, xã Xuân Thành, xã Xuân Trường (thuộc huyện Xuân Lộc).
Ông Lê Văn Gọi - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, diện tích của các hộ nhận khoán nêu trên được xác định là rừng phòng hộ, theo quy định. Mặc dù trong nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, các sở, ban, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực trong việc quy hoạch, quản lý, bảo vệ, tiếp xúc, đối thoại và tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, tình hình vi phạm khai thác rừng trái quy định, sử dụng đất không đúng hợp đồng xảy ra tại khu vực Phân trường Trản Táo với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp và nghiêm trọng.
“Các đối tượng vi phạm gây thiệt hại đến tài nguyên rừng và mất an ninh, trật tự tại địa phương. Sau khi vi phạm tiếp tục thực hiện hành vi lôi kéo, kích động, chống đối thách thức pháp luật, dùng nhiều lời lẽ xúc phạm, lăng mạ lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”, ông Lê Văn Gọi cho biết.
Phá rừng phòng hộ là vi phạm pháp luật
Việc 4 đối tượng thực hiện hành vi cưa hạ 85 cây gỗ rừng trồng phòng hộ với tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại, kết quả đo tính ban đầu là 39,64 m3 khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền và sự đồng ý của Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, được xác định là hành vi khai thác rừng trái pháp luật theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 35/2019/NĐ - CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Khối lượng lâm sản bị thiệt hại là 39,64 m3 gỗ tròn rừng trồng phòng hộ bị khai thác trái pháp luật đã gây hậu quả vượt mức tối đa của khung xử phạt vi phạm hành chính đã có dấu hiệu tội phạm được quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 232 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Một cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc nhìn nhận: “Vụ vi phạm khai thác rừng trái pháp luật ngày 21/9/2022 chỉ là một trong các vụ vi phạm về khai thác rừng trái pháp luật trong thời gian qua tại Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc. Đây cũng là giọt nước tràn ly, còn thực tế những năm qua chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều trong công tác phòng chống nạn phá rừng phòng hộ”.
Cũng theo cán bộ này, hầu hết các hộ dân ở đây tham gia nhận khoán trồng và giữ rừng thì không đốn hạ rừng. Tuy nhiên có một số nhóm người dân khác lấy cớ được các hộ dân thuê cắt rong cành cây rừng thì họ lại đốn hạ luôn cả cây. Thậm chí khi bị chúng tôi phát hiện họ còn thách thức cả cán bộ bảo vệ rừng. Trong khi chức năng của chúng tôi không được bắt người vi phạm đốn phá rừng.
Với tính chất phức tạp, mức độ nghiêm trọng của vụ vi phạm trên, Sở NN&PTNT đã báo cáo và đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thụ lý, xử lý dứt điểm vụ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản có dấu hiệu tội phạm xảy ra vào ngày 21/9/2022 tại Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc.
Ngộ độc thuốc diệt chuột bị cấm, cô gái 21 tuổi co giật, hôn mê sâu
Kinhtedothi - Ngày 17/2, theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 6/2, Trung tâm đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 21 tuổi ở Hà Nam nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, co giật mạnh, chân tay co quắp, nôn mửa.
Sửa Luật Đất đai: Quan tâm quyền lợi người dân trong thu hồi đất
Kinhtedothi - Ngày 17/2, Liên hiệp Các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi”.
Học sinh học trường ngoại thành đạt giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi TP
Kinhtedothi - Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ra quyết định công nhận 2.201 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi TP các môn văn hóa và môn khoa học lớp 9 năm học 2022-2023; trong đó có 108 giải Nhất, 563 giải Nhì, 678 giải Ba và 582 giải Khuyến khích.