Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Dự án Usilk City: Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Kinhtedothi - Không chỉ bội hứa với khách hàng khi ôm trọn hàng nghìn tỷ đồng tiền nhà mà không chịu hoàn thiện bàn giao, chủ đầu tư dự án Usilk City còn có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị

Như Báo Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, Ban đại diện khách hàng đại diện cho hơn 700 khách hàng đã nộp từ 70% giá trị tiền mua nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án Usilk City thuộc khu đô thị mới Văn Khê, phường La Khê (quận Hà Đông, TP Hà Nội) do Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long (Công ty Sông Đà Thăng Long) làm chủ đầu tư, gửi đơn phản ánh về việc dự án này chậm tiến độ hơn 10 năm qua, chủ đầu tư “ôm” tiền và bội hứa với khách hàng nhiều lần. Phóng viên đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận hình ảnh thực tế của dự án.

Hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng dự án Usilk City đang chỉ là một đống bê tông nhếch nhác.

Theo đó, Công ty Sông Đà Thăng Long được thành lập từ năm 2006, do ông Nguyễn Trí Dũng - Tổng Giám đốc là người đại diện pháp luật. Trên địa bàn quận Hà Đông, Công ty này được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt làm chủ đầu tư 2 dự án, gồm: Khu đô thị nhà ở Văn Khê và Khu đô thị Văn Khê mở rộng (Usilk City).

Tháng 12/2008, dự án Usilk City chính thức được khởi công sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, với quy mô 9,2 ha nằm trên đường Lê Văn Lương kéo dài (nay là đường Thanh Bình) gồm 13 tòa nhà cao 25 - 50 tầng, tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng và dự kiến đưa ra thị trường 2.700 căn hộ hiện đại.

Tuy nhiên, từ đó đến nay sau hơn 10 năm dự án mới chỉ hoàn thành 3 tòa nhà 101 - 102 - 103 để đưa vào sử dụng, nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (những tòa nhà này do chủ đầu tư hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng - PV). Riêng tòa 105, chiều cao 50 tầng, chủ đầu tư chuyển nhượng cho Công ty Hải Phát Thủ Đô - đơn vị này cũng đã hoàn thiện đưa vào khai thác; tòa 104 chủ đầu tư đang hợp tác với BID Group triển khai xây thô xong 50 tầng nhưng giai đoạn hoàn thiện chỉ diễn ra “nhỏ giọt” và có dấu hiệu chia nhỏ căn hộ không theo thiết kế ban đầu được phê duyệt.

Ô nhiễm môi trường xảy ra khi dự án không chịu triển khai.

Còn lại các tòa 106, 107, 108 mới làm tầng hầm liên thông, đang thi công đài móng, phần thân nhà xây dựng từ 5 - 7 tầng và đã dừng thi công từ lâu. Trong khi đó, theo hợp đồng mua bán nhà hình thành trong tương lai, các tòa nhà này phải bàn giao vào cuối năm 2012, đầu năm 2013.

Đáng chú ý, rất nhiều hạng mục thi công dở dang trở thành những vũng nước tù lớn, đọng rác thải, là địa điểm sinh sống của nhiều loại sinh vật gây bệnh truyền nhiễm (ruồi, muỗi...) không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sinh sống xung quanh, mà còn làm mất mỹ quan đô thị.

Dấu hiệu lừa đảo khách hàng

Theo Kết luận của Thanh tra Hà Nội số 99/KL-TTTP-P2 ngày 12/01/2017, tính đến thời điểm ngày 31/3/2016, Công ty Sông Đà Thăng Long đã sử dụng số tiền 5.302.493.314.923 đồng thu được của khách hàng mua căn hộ hình thành trong tương lai và các tổ chức tín dụng dùng để đầu tư ra bên ngoài, sử dụng sai mục đích.

Cụ thể: Đầu tư các dự án bất động sản khác 1.239.982.200.852 đồng; Mua trang thiết bị 246.609.271.902 đồng; Đầu tư vào các công ty con, liên kết 714.837.486.251 đồng; Nộp thuế nhập khẩu thiết bị: 39.060.162.565 đồng; Chi trả gốc, lãi vay các khoản vay ngân hàng, tổ chức kinh tế: 2.314.062.291.321 đồng; Chi trả gốc, lãi vay trái phiếu doanh nghiệp 552.065.971.672 đồng.

Ngoài ra,  từ tháng 1 - 10/2010, 183 khách hàng đã ký hợp đồng mua bán căn hộ tại 2 tòa CT3-106, CT3-107 từ đầu năm 2010 (có khách hàng nộp 100% giá trị hợp đồng). Tuy nhiên, ngày 16/10/2010, Công ty Sông Đà Thăng Long sử dụng tài sản hình thành trong tương lai trong đó có gần 200 căn hộ đã bán cho khách hàng, thu tiền của khách hàng làm tài sản đảm bảo cho việc phát hành 200.000 trái phiếu.

Dự án Usilk City đã mang lại bao nỗi “khiếp sợ” cho những người mua nhà, có người đã mất mà không một lần được nhìn thấy căn nhà của mình.

Như vậy, Công ty Sông Đà Thăng Long đã có hành vi huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết, quy định tại khoản 4, Điều 16 và điểm b, khoản 1, Điều 14 Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2006; khoản 5, Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; khoản 4 Điều 68 Luật Nhà ở năm 2014.

“Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc dự án Khu đô thị mới Văn Khê mở rộng (tên thương mại Dự án Usilk City) thiếu vốn đầu tư, thi công chậm tiến độ. Hành vi nêu trên của Công ty Sông Đà Thăng Long gây bức xúc rất lớn trong dư luận xã hội, làm hàng nghìn gia đình lâm vào cảnh khó khăn, khánh kiệt” – văn bản nêu rõ.

Căn cứ vào khoản 3 Điều 295 Bộ luật Dân sự khi vay thế chấp, bên vay có thể dùng tài sản hình thành trong tương lai làm biện pháp bảo đảm trong hợp đồng. Nhưng phải đảm bảo một số quy định: Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu; Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được; Giá trị của tài sản bảo đảm do thỏa thuận của các bên, có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.

“Nhưng tài sản hình thành trong tương lai sau khi ký hợp đồng mua bán, khách hàng đã nộp tiền 70 - 100% là tài sản của khách hàng. Việc Công ty Sông Đà Thăng sử dụng tài sản đó mà không thông báo, cũng như được sự đồng ý của khách hàng làm tài sản đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu là sai quy định, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - luật sư Trịnh Hữu Đức - Hội Luật gia Việt Nam nói.

Qua tìm hiểu được biết, dự án Usilk City đã mang lại bao nỗi “khiếp sợ” cho những người mua nhà, không chỉ khánh kiệt về tài chính, nhiều trường hợp người mua đã mất, nhưng đến nay gia đình vẫn chưa nhận được nhà.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc về sự việc này.

Bàn giao hạ tầng khu đô thị: Lỗ hổng trong chính sách

Bàn giao hạ tầng khu đô thị: Lỗ hổng trong chính sách

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Sổ đỏ bị sai thông tin phải xử lý ra sao?

Sổ đỏ bị sai thông tin phải xử lý ra sao?

26/11/2024 | 15:40

Sổ đỏ sai thông tin của người được cấp sổ hoặc sai thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất... cần phải thực hiện thủ tục đính chính thông tin.

Tin mới
Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

25/01/2025 | 07:30

Kinhtedothi - Do các quy định ở giai đoạn trước về đầu tư, kinh doanh, khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng, nên việc triển khai xã hội hóa nguồn lực gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 165/2024/NĐ-CP có hiệu lực sẽ giúp khai thông cơ chế, tháo gỡ các bất cập.

TOD và bài toán quy hoạch

TOD và bài toán quy hoạch

19/01/2025 | 09:24

Kinhtedothi - Transit Oriented Development (TOD) là định hướng phát triển đô thị lấy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Đây cũng là định hướng phát triển của Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên TOD cũng đặt ra cho TP bài toán khó về quy hoạch.

Tin tài trợ