Du lịch Đông Âu phẳng lặng
Kinhtedothi - Gần như khắp nơi trên thế giới bùng nổ với du lịch hè, nhưng ở vùng đất xinh đẹp Đông Âu tình hình trái ngược. Ở đây, du khách giảm hẳn, có phần thưa thớt vì lo ngại tình hình chiến sự đang xảy ra.
Khủng hoảng du lịch toàn khu vực
Hãng hàng không châu Âu Jet2 của Anh thậm chí đã đình chỉ các chuyến bay đến Ba Lan vào tháng 3 và chỉ bắt đầu hoạt động trở lại vào tháng 9. Đó là một xu hướng có thể được nhìn thấy trên toàn bộ Đông Âu. Công ty điều hành tour Last Night of Freedom, chuyên tổ chức các bữa tiệc cho người còn độc thân trên khắp châu Âu, đã chứng kiến lượng đặt phòng đến Krakow của Ba Lan giảm 60% vào mùa Hè năm 2022.
Matt Mavir - người sáng lập Last Night of Freedom cho biết: “Tôi nghĩ khi xung đột Nga Ukraine bắt đầu, mọi người đã nghe về những quả bom nổ gần biên giới, và bây giờ họ ám ảnh hình ảnh đó trong đầu”.
Hiện tượng vắng khách không chỉ ở Ba Lan. Last Night of Freedom cho biết lượng đặt phòng của họ đến Budapest - Hungary đã giảm 45% và đến Riga - Latvia, giảm 39%.
Số liệu của Cơ quan Du lịch Hungary cho thấy lượng khách đến nước này giảm 37% trong 6 tháng đầu năm 2022, so với năm 2019. Người Mỹ đến nước này giảm 65%.
Slovakia, quốc gia có chung biên giới với miền Tây Ukraine, đã chứng kiến số lượng du khách nước ngoài giảm mạnh 49% so với năm 2019. Người phát ngôn cơ quan quản lý du lịch nước này cho biết: “Thật khó để nói có bao nhiêu người đã không đến Slovakia vì lo sợ đại dịch và bao nhiêu người lo lắng về xung đột ở Ukraine”. Thủ đô Bratislava nằm cạnh biên giới với Áo, cách Vienna một giờ - và cách Kiev 16 giờ. Tuy nhiên, biên giới chung đủ để khiến mọi người sợ hãi.
Tình hình thậm chí đang ảnh hưởng đến các quốc gia không có chung đường biên giới với Ukraine. Liina Maria Lepik, Giám đốc Ủy ban Du lịch Estonia, nói rằng một nửa trong số 350 tàu du lịch dự kiến đến thăm Tallinn vào năm 2022 đã bị hủy bỏ "do hậu quả trực tiếp của chiến tranh".
Điều thú vị là có hai quốc gia trong khu vực đang có lượng khách du lịch tăng lên. Moldova, giáp với Ukraine, đã có nhiều du khách nước ngoài hơn trong quý đầu tiên của năm 2022 so với trước đại dịch, từ 31.000 khách du lịch không cư trú vào năm 2019 lên 36.100 vào năm 2022.
Trong khi đó, Lithuania - giáp với các đồng minh của Nga là Belarus và vùng ngoại ô Kaliningrad Oblast của Nga - cho biết vào tháng 6, số lượng du khách đã ở mức 88% của năm 2019. Những "du khách" đó bao gồm những người Ukraine chạy trốn khỏi cuộc xung đột, nhưng số lượng từ Latvia, Anh và Mỹ đều tăng.
Nỗi sợ hãi bom đạn
Vào tháng Giêng, Jacek Legendziewicz đã hy vọng năm 2022 sẽ là năm công ty khách sạn có trụ sở tại Krakow của Anh, Jordan Group, phục hồi sau đại dịch. Nhưng sau đó là xung đột vũ trang xảy ra và họ đã mất 80% số lượt đặt phòng theo nhóm.
Ông nói: “Cần phải ngay lập tức tiếp nhận những người tị nạn từ Ukraine, và điều này đã lấp đầy khách sạn một phần. Tuy nhiên, để hoạt động, chúng tôi cần những khách du lịch bình thường". Ông cho biết thêm: "Tôi liên tục nghe nói rằng Ba Lan, Krakow đang ở quá gần vùng chiến sự. Tôi đang lên kế hoạch cho một khẩu hiệu mới: "Chưa bao giờ có, và sẽ không bao giờ rẻ như bây giờ".
Cô Julie (một du khách dấu tên) đặt một số chuyến đi đến Warsaw vào năm ngoái, với mong muốn dành những ngày cuối tuần của mình để tham quan thủ đô của Ba Lan, đi dạo quanh các công viên của nó và ăn bánh pierogi. Nhưng vào thời điểm chuyến đi đầu tiên - tháng 6/2022 - bắt đầu quay lại, những người xung quanh cô khuyên cô không nên đi.
"Mẹ tôi và một vài người bạn nói Warsaw khá gần với Ukraine, con có lo lắng không?”, cô ấy nói. Tuy nhiên, cô vẫn mạo hiểm đến vùng đất xinh đẹp có bề dày lịch sử này. Cô nhận xét: "Phố Cổ được xây dựng lại sau chiến tranh và rất đẹp. Nó có những công viên xinh xắn, thời tiết tốt vào mùa Hè - đó là một nơi tuyệt vời và người dân rất thân thiện. Tôi sẽ còn quay lại".
Đáng buồn thay, không phải khách du lịch tiềm năng nào cũng cảm thấy như cô ấy. Không chỉ vì Ba Lan có chung biên giới với Ukraine mà hình ảnh những người tị nạn băng qua biên giới dường như đang ngày càng ám ảnh trong tâm trí người dân, gây ảnh hưởng nặng nề cho ngành du lịch của các nước này.
Tom Smith, Tổng Giám đốc khu vực châu Âu tại Intrepid Travel, cho biết: Ba Lan và Romania đã chứng kiến sự sụt giảm du khách không thể chối cãi liên quan đến cuộc xung đột vũ trang. Ông nói: "Tôi đã đi du lịch đến Romania gần đây. Người dân địa phương nói với tôi rằng họ đã chứng kiến sự sụt giảm lớn về du lịch, đặc biệt là xung quanh khu vực Đồng bằng sông Danube, gần Ukraine nhất."
Ông nói thêm: "Khi cuộc xung đột lần đầu tiên xảy ra, người ta lo lắng về việc đi du lịch đến Đông Âu nói chung. Bây giờ mọi người đã thấy rằng cuộc chiến được kiềm chế ở Ukraine, họ cảm thấy tự tin hơn. Nhưng khi nói đến các quốc gia giáp biên giới với Ukraine, vẫn khiến mọi người thận trọng. Thật không may, đây là thời điểm mà người dân địa phương cần du lịch hơn bao giờ hết, khi họ phục hồi sau đại dịch”.
Cuối mùa Hè, đầu mùa Thu là một trong những thời điểm tốt nhất để đi du lịch Đông Âu. Thời điểm này thực sự ấm áp, có nắng nhưng không quá nóng. Có núi, có biển, thành phố... và bạn sẽ có những bữa ăn ngon. Lý thuyết là vậy, nhưng du khách vẫn đang do dự khi muốn đến khu vực này.
Nam Âu và những dòng sông đang dần cạn kiệt
Kinhtedothi - Hạn hán nghiêm trọng và mưa khan hiếm khiến sông, hồ khô cạn đã buộc các nước Nam Âu phải hạn chế nước tối đa. Ở khu vực này, một số nơi đang trải qua mùa khô hạn tồi tệ nhất trong 1.000 năm qua. Để tiết kiệm nước, có nơi dùng cả biện pháp… cấm thợ làm tóc gội đầu cho khách hàng!
Bỏ qua toàn cầu hóa nhìn từ sản xuất chip
Kinhtedothi - Mới đây ngày 27/7 (giờ địa phương), Thượng viện Mỹ thông qua đạo luật CHIPS, thể hiện một “điểm uốn” đặc biệt quan trọng đối với nước này. Đạo luật này nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ.
Những mũi khoan quay trở lại châu Âu
Kinhtedothi - Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, nhất là sau khi nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt giảm, khiến nhiều nơi ở lục địa này rục rịch tìm cách khoan những mỏ khí đốt mới.