|
Du khách tham quan mô hình Trang trại Đồng quê Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: Hồ Hạ |
Sản phẩm nhỏ lẻ và trùng lặp
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Du lịch nông nghiệp là loại hình tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, nhiều địa phương, cá nhân, tổ chức đã chú trọng đầu tư khai thác các yếu tố từ sản xuất nông nghiệp cho phát triển du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng văn hóa nông nghiệp vùng miền đã được hình thành và đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách.
Đơn cử như: Mô hình du lịch nông nghiệp Trang trại đồng quê Ba Vì (Hà Nội) hay mô hình du lịch nông nghiệp đồng bằng sông Hồng (Ninh Bình) với hai sản phẩm: “Du khảo đồng quê” và “Một ngày làm nông dân”; mô hình Làng rau Trà Quế (Hội An)… Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng thẳng thắn nhìn nhận: Hầu hết hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp chưa hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu.
Dù rất giàu tiềm năng, lợi thế, nhưng du lịch nông nghiệp vẫn như mảnh đất màu mỡ chờ có giống tốt mới mong có “trái ngọt”. Mổ xẻ nguyên nhân của vấn đề này, đại diện Công ty Du lịch ngôi sao Ninh Bình cho rằng, vì nguồn nhân lực chủ yếu dựa vào người dân địa phương, nhưng họ lại bị hạn chế về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kiến thức du lịch... Ngoài ra, ô nhiễm môi trường tại các vùng nông thôn cũng là rào cản của du lịch nông nghiệp.
Gắn kết du lịch - nông nghiệpĐể phát triển du lịch, theo các chuyên gia, Tổng cục Du lịch cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị lữ hành trong và ngoài nước để hỗ trợ quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng và hỗ trợ bà con nông dân trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường. Nhà nước và DN cần chung tay đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành du lịch nông nghiệp và đào tạo kiến thức du lịch cho nông dân.
Bên cạnh đó, cần học hỏi mô hình du lịch nông nghiệp đã thành công ở các nước trên thế giới và ở các tỉnh, TP trong nước. “Ngoài ra, các chuyên gia du lịch và DN lữ hành cũng nên chăm chút đến việc xây dựng kịch bản, đạo diễn để “thổi hồn" vào các công đoạn tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp nhằm tạo sự mới lạ, sức hút với du khách” - Bà Trương Thị Minh Hương – Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại diện Công ty Du lịch ngôi sao Ninh Bình cho rằng, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, tạo cơ chế thông thoáng và thuận lợi cho các chủ thể tham gia mô hình du lịch nông nghiệp tại địa phương. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tại các địa phương về tầm quan trọng của du lịch nông nghiệp trong xóa đói giảm nghèo.
Ông Đặng Văn Cường – Văn phòng điều phối Nông thôn mới T.Ư góp ý: “Thời gian tới, Việt Nam cần nâng cao chất lượng hạ tầng nông thôn có tiềm năng phát triển du lịch, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ thu hút đầu tư và nông nghiệp. Đặc biệt là xây dựng chương trình quốc gia về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để “chắp cánh” cho du lịch nông nghiệp”.
Để phát triển du lịch nông nghiệp cần đẩy mạnh tuyền truyền quảng bá, giới thiệu các mô hình, cách làm hay nhiều hơn nữa đến người dân. Đặc biệt, trong thời gian tới hai ngành nông nghiệp và du lịch cần có liên kết chặt chẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý, DN, nhà khoa học để đưa ra kế hoạch cụ thể trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch nông nghiệp. Có như vậy, mới khai thác tối đa những đặc trưng ưu Việt của ngành nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng miền, góp phần đưa du lịch nông nghiệp phát triển đột phá.
Hơn 29.300 khách đăng ký mua tour tại VITM Hà Nội 2018 Ngày 1/4, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2018 đã bế mạc sau 4 ngày hoạt động sôi nổi (từ 29/3 – 1/4). Với 502 gian hàng của 675 DN, tổ chức đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, có khoảng 3.000 lượt DN đã đến làm việc; khoảng hơn 60.000 lượt người đã đến tham quan, mua các sản phẩm du lịch. Theo thống kê của 21 công ty lữ hành, đã có 29.300 khách đăng ký mua tour du lịch tại hội chợ, doanh thu của các đơn vị này ước đạt 245 tỷ đồng. Các gian hàng luôn chật kín khách đến tìm hiểu và mua sản phẩm, nhất là gian của Vietnam Airlines và Jetstar.Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hội chợ, 18 sự kiện bao gồm hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp báo về các vấn đề chuyên môn của ngành du lịch đã diễn ra. Đánh giá về kết quả của VITM Hà Nội 2018, đã có 81,2% đơn vị hài lòng, 16,6% đánh giá đạt yêu cầu và 2,2% chưa hài lòng. Về đáp ứng mục tiêu tham gia Hội chợ, có 94,6% DN hài lòng, trong đó có 20% cho là vượt ngoài mong đợi. Còn lại có 5,4% số DN thấy chưa đạt được mục tiêu. 74,5 DN cam kết tiếp tục tham gia VITM năm tới. |