|
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng |
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Thay đổi cách tính lương cũng là cơ sở đẩy lùi tiêu cực
Nghị quyết T.Ư 7 về chính sách tiền lương lần này đã làm rõ được tính khoa học của tiền lương. Với khối công chức, viên chức, quan điểm xây dựng bảng lượng tương ứng với số lượng tiền thực cho từng chức danh, chức vụ, dựa trên vị trí việc làm, công việc thực tế của từng người là rất đúng. Qua đó đảm bảo được sức lực, cống hiến và năng lực làm việc. Đồng thời có ý nghĩa đánh giá cán bộ rõ hơn, tránh bình quân chủ nghĩa.
Với tiền lương đối với lao động sản xuất trực tiếp là giá cả sức lao động để trả cho người lao động, cùng với đó còn phải tạo cho người lao động cuộc sống tốt đẹp hơn cả về vật chất, tinh thần. Nếu có chế độ tiền lương xứng đáng, đó chính là yếu tố tạo ra động lực, nâng cao năng suất lao động, người lao động sẽ toàn tâm toàn ý cải tiến kỹ thuật, tạo ra năng suất và hiệu quả hơn. Nói cách khác, tiền lương tạo động lực thúc đẩy quá trình sản xuất ở khu nông nghiệp, dịch vụ... Khi nhà nước chỉ quản lý và không can thiệp trực tiếp vào tiền lương trong DN, đây cũng là vấn đề đặt ra người quản lý, chủ DN cần chú trọng quan tâm thích đáng đến chế độ tiền lương, qua đó tạo ra năng suất, hiệu quả công việc.
Có thể nói rằng, Nghị quyết lần này có tính khoa học cao, với nội dung cải cách, giải pháp đột phá trong tiền lương, nhất định sẽ tạo ra động lực cho người lao động tại các khu vực từ hành chính đến sản xuất. Trong quá trình thực hiện, phải thiết kế các chính sách cụ thể làm sao cho tiền lương thành thu nhập chính, thu nhập chủ yếu. Không những sống được bằng lương, mà phải sống tốt hơn bằng tiền lương. Đồng thời, qua việc trả lương xứng đáng với năng suất, sẽ làm cán bộ, công chức, gắn bó với công việc của mình. Đây cũng là cơ sở đẩy lùi tiêu cực trong đời sống, công việc, đặc biệt là tình trạng “tham nhũng vặt” hiện nay.
|
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. Ảnh: Hoàng Long |
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Một bảng lương cho người giữ chức vụ lãnh đạo là cần thiết
Lần cải cách chính sách tiền lương này đã có cách tiếp cận đột phá, tiệm cận với nhiều quy định trên thế giới. Đặc biệt, việc trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo rất phù hợp và khắc phục được những bật cập hiện nay. Bởi thực tế, những công chức viên chức làm vị trí lãnh đạo hiện nay cũng hưởng hệ số lương theo bảng lương thường, chỉ thêm phụ cấp chức vụ, không chênh lệch bao nhiêu. Trong khi có những người làm quản lý, trách nhiệm lớn, công việc cũng nặng nề. Việc trả lương như thế không đúng như trách niệm và công sức bỏ ra. Việc xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo có thể nói cuộc cách mạng.
Cùng với đó, chúng ta cũng đã nhiều lần đều nói đến việc phấn đấu để công chức, viên chức sống được bằng lương, nhưng cũng chưa đạt được.
Lần này với sự thay đổi tổng thể và đột phá, nếu làm được, sẽ tiếp cận được mục tiêu lương là nguồn thu nhập chính đảm bảo mức sống. Tuy nhiên, quan điểm chỉ đạo và các giải pháp trọng tâm đã được đề ra, để thực hiện hiệu quả phải thể chế hóa chi tiết, cụ thể, phải phân tích ra từng ngành, áp vào vị trí việc làm cụ thể để xác định khung lương phù hợp, sẽ có hiệu quả cao.
|
PGS.TS Giang Thanh Long – Viện trưởng Viện chính sách công và quản lý |
PGS.TS Giang Thanh Long – Viện trưởng Viện chính sách công và quản lý: Chúng tôi kỳ vọng vào sự thay đổi lớnTừ lúc Chính phủ ban hành nghị quyết về cải cách tiền lương đến khi ra được chính sách thực hiện sẽ mất khoảng thời gian tương đối vì có rất nhiều việc phải làm. Nhưng, chúng tôi kỳ vọng định hướng chính sách tiền lương mới sẽ tạo động lực cho người lao động.
Theo chính sách tiền lương mới, người lao động sẽ được trả lương theo vị trí việc làm, không phân biệt người nhiều tuổi hay ít tuổi. Để làm được điều này, bây giờ phải xây dựng chỉ số theo dõi đánh giá quy ra sản phẩm theo từng vị trí việc làm và ngành nghề một cách quy chuẩn và cụ thể. Vì có vị trí việc làm dễ đo lường bằng sản phẩm nhưng với những người làm công tác nghiên cứu thì lại khác, sẽ tính bằng bài báo công bố quốc tế hay trong nước, số giờ giảng?
Tôi nghĩ khi mọi chỉ số tính toán càng rõ ràng bao nhiêu, người lao động sẽ được hưởng đồng lương xứng đáng với công sức, chất xám bỏ ra cũng như kích thích, tạo động lực làm việc hiệu quả. Và một vấn đề nữa, để cải cách chính sách tiền lương rất cần tinh gọn nhân sự, mở rộng sản xuất và tăng năng suất lao động. Lúc này các đơn vị nên đầu tư cho việc nâng cao tay nghề; với những người không đáp ứng yêu cầu công việc có thể dùng nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để được đào tạo lại và chuyển nghề.
Ông Mai Văn Lâm - Bí thư Đảng ủy phường Phương Liên (quận Đống Đa): Đáp ứng được nguyện vọng của người lao động Qua tìm hiểu Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương vừa ban hành, tôi thấy Nghị quyết đã quy định tiền lương cụ thể cho từng chức danh, vị trí, việc làm, khắc phục hạn chế theo cách tính lương cũ theo ngạch, bậc đã rất lạc hậu không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Bởi nếu tính theo cách cũ thì tiền lương không bảo đảm cho đời sống của cán bộ, công chức, chưa nói đến nuôi sống gia đình họ và kìm hãm sự phát triển tư duy sáng tạo của người lao động. Vì vậy dễ phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Tôi tin tưởng Nghị quyết sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người lao động, thực hiện chế độ tiền lương xứng đáng, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở xã, phường.
Trung tá Nguyễn Văn Vinh, nguyên Đội trưởng đội 2 Phòng Công tác Chính trị (PX 15 - Công an TP Hà Nội): Sự thay đổi là rất cần thiết
Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương đều được đông đảo cán bộ, công nhân viên làm việc trong các cơ quan Nhà nước đồng tình ủng hộ theo quan điểm tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương. Thiết kế cơ cấu tiền lương mới bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp), thực sự tạo động lực nâng cao năng suất, hăng hái phấn đấu cho người lao động ở cùng một đơn vị công tác. Tuy nhiên, cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể việc chi trả tiền thưởng cho đối tượng là cơ quan sự nghiệp công lập khi đơn vị không có nguồn thu. Việc Nghị quyết có nội dung sắp xếp, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương và tiếp tục áp dụng các loại phụ cấp đặc thù với lực lượng vũ trang là rất cần thiết và đúng đắn.
Bà Nguyễn Nữ Thanh Nhàn (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm): Mức lương phải đảm bảo cuộc sống Hiện mức lương như vậy chưa thể đảm bảo đời sống cho người lao động hưởng lương ngân sách, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Để đảm bảo cuộc sống cho các cán bộ, công chức, nên theo hướng quy định như đối với người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân, mô hình một số quốc gia trên thế giới áp dụng như Singapore.
Đề án cải cách chính sách tiền lương theo kế hoạch thực hiện từ năm 2021, trong đó, đề xuất một số mức cụ thể, so với thời gian từ nay đến năm 2021 liệu có phù hợp? Tôi cho rằng, nên xây dựng chính sách tiền lương theo hướng đảm bảo cuộc sống cho các cán bộ, công chức. Nhà nước trả lương cho cán bộ, công bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng theo năng suất lao động, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Ông Nguyễn Hợp Thụ - Bí thư Chi bộ 1 (xã Liên Trung, huyện Đan Phượng): Làm tốt việc giảm biên chế để nâng cao chất lượng tiền lương
Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương.
Tuy nhiên, tiền lương hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống. Thực ra, quỹ lương mỗi năm lại phải bù ra một ít nhưng vẫn không bảo đảm. Đội ngũ công chức, nhất là công chức cấp xã và đối tượng hợp đồng được hưởng mức lương thấp, không đảm bảo nhu cầu cuộc sống, cho nên số lao động hợp đồng ở địa phương đa số là muốn bỏ việc. Đồng thời, với cơ cấu, cứ để biên chế như hiện nay, thì sẽ khó giải quyết được vấn đề tăng lương.
Tôi tin tưởng rằng, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 về cải cách chính sách tiền lương sẽ sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của NLĐ, thực hiện chế độ tiền lương xứng đáng, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở xã.