Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

“Dừng Nhà máy nhiệt điện Ninh Thuận không vì lý do công nghệ hay an toàn”

Kinhtedothi - Chiều 22/11, chủ trì buổi họp báo về việc dừng Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tỉnh Ninh Thuận, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Quốc Hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết dừng dự án này không phải với lý do công nghệ mà vì sự an toàn, điều kiện kinh tế nước ta hiện nay.

Dồn nguồn lực cho các dự án trọng điểm cấp thiết
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (gồm nhà máy I và II) được Quốc hội nhất trí thông qua tại Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009, có tổng công suất trên 4.000 MW, tổng mức đầu tư dự kiến 200.000 tỉ đồng, trong đó phía đối tác Nga đồng ý cho vay 10,5 tỉ USD và Nhật cũng đồng ý cho vay vốn ODA để thực hiện dự án. Nga được chọn làm đối tác cung cấp công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân I; hợp tác thỏa thuận với Nhật Bản để triển khai nhà máy điện hạt nhân II. Việc thăm dò địa chất dự án được tiến hành với sự tham gia của chuyên gia Nga. “Chúng ta khẳng định công nghệ hạt nhân của Liên Bang Nga, Nhật Bản đều là công nghệ tiên tiến nhất hiên nay và có mức độ an toàn rất cao nên hoàn toàn yên tâm", Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định.
 
Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là xem xét các dự án ưu tiên, dồn nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm Quốc gia, ví dụ như tuyến đường bộ Bắc Nam cần trên 200.000 tỷ; Đang tập trung như sân bay quốc tế Long Thành; Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; Các tuyến đường ven biển để phát triển kinh tế biển và một số dự án quan trọng cấp bách xử lý biến đổi khí hậu, hạn hán Tây Nguyên và ngập mặn Đồng bằng Sông Cửu Long…
Ở thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển điện hạt nhân thì kinh tế đang tăng trưởng cao, bình quân 7 - 8%, dự kiến phương án cao tăng trưởng có thể lên tới 9-10%. Tính toán tỷ lệ phát triển điện, để GDP tăng 1% thì tăng trưởng điện phải tăng gấp đôi. Ví dụ để đạt mức tăng trưởng 8% thì điện phải tăng trưởng 16%… trong khi nhu cầu điện trong nước cao, các dạng năng lượng khác đã tới hạn thì cũng phải tính tới phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, hiện nay bối cảnh về năng lượng của nước ta cũng như thế giới đã khác. Nhu cầu điện đến thời điểm này khá yên tâm, đến 2030 Việt Nam có 34 dự án điện gió năng lượng, mặt trời và nếu các dự án này đi vào hoạt động ta có 6.000 MW/ năm.
“Thời điểm này chúng ta có thể chủ động được nguồn điện. Trong khi nguồn lực chúng ta có hạn, phải chọn các dự án mang tính ưu tiên, hạ tầng đồng bộ, mang tính kinh tế xã hội, có tính lan tỏa cho cả nước. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng công nghệ phía đối tác Nga, Nhật chứ không phải do yếu tố an toàn trong thiết kế, công nghệ thông tin hay môi trường”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng một lần nữa nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Chính phủ trao đổi với các đối tác Nga và Nhật Bản cùng với thời điểm báo cáo Quốc hội xin chủ trương dừng thực hiện Dự án. Về cơ bản các đối tác đều bày tỏ sự cảm thông và tôn trọng quyết định của Việt Nam, đồng thời Chính phủ Nga và Nhật Bản mong muốn sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ cho Việt Nam một số lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng để thay thế cho hợp tác đầu tư xây dựng các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
“Việt Nam khẳng định Nga, Nhật Bản là các đối tác thời đầu, ưu tiên trong trường hợp Việt Nam xây dựng điện hạt nhân trong tương lai. Chính phủ Việt Nam khẳng định rằng việc dừng thực hiện Dự án không làm ảnh hưởng đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên Bang Nga và quan hệ đối tác sâu rộng với Nhật Bản”, người đại diện Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.
Thúc đẩy nguồn năng lượng tái tạo, điện gió
Trước câu hỏi của báo chí về việc việc dừng dự án có thể ảnh hưởng đến nguồn cung ứng điện trong tương lai, Chính phủ có biện pháp gì để phát triển các nguồn cung điện trong tương lai? Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, Chính phủ đã tính toán kĩ xem xét các giải pháp thay thế trong giai đoạn tới đó là đến năm 2030, xem xét đầu tư thay thế các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bằng các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và các nhà máy tua bin khí sử dụng LNG nhập khẩu với tổng công suất khoảng 6.000 MW bảo đảm thay thế sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.
Giai đoạn 2030 tiếp tục phát triển hợp lý các nguồn điện than là LNG nhập khẩu, xem xét đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua tái cơ cấu kinh tế theo hướng đến các ngành sản xuất xanh và công nghệ thân thiện, tiết kiệm năng lượng, tăng cường liên kết lưới điện và hợp tác mua bán điện với các nước láng giềng.
Về xử lý đối với cơ sở hạ tầng đã đầu tư, ông Vượng cho biết, một số bước chuẩn bị cho dự án như, thỏa thuận vay vốn, chọn đối tác triển khai, thăm dò khởi công… đã được thực hiện. Chính phủ sẽ chỉ đọa thực hiện các biện pháp nhằm sử dụng tối đa, có hiệu quả đối với các cơ sở hạ tầng đã thực hiện đầu tư thuộc phạm vi Dự án để phục vụ cho pháp triển kinh tế xã hội địa phương. Về nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đào tạo ở nước ngoài phục vụ cho dự án điện hạt nhân, ông Vượng cho rằng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lúc nào cũng cần thiết. Trước mắt một số tổng công ty phát điện, nhà máy điện đang triển khai có thể sử dụng nguồn nhân lực này.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ