Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Sau gần một năm đón trên 7,2 triệu lượt khách
Kinhtedothi - Chỉ còn ít ngày nữa tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) đầu tiên của Hà Nội và cả nước: Cát Linh - Hà Đông sẽ tròn một năm đi vào hoạt động.
Kết quả gần 360 ngày vận hành an toàn, phục vụ trên 7,2 triệu lượt hành khách đã cho thấy sự bắt nhịp hoàn hảo và đầy tự tin của ĐSĐT trên hành trình vạn dặm.
Thành công vượt mong đợi
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết, vào giờ cao điểm ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông giãn cách 6 phút/chuyến, giờ bình thường thời gian đợi tàu là 10 phút/chuyến. Hiện mỗi ngày có khoảng 32.000 lượt người đi lại bằng tàu điện trên tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông. Trong đó, 70% người sử dụng vé tháng; giờ cao điểm có từ 5.000 - 6.000 hành khách đi lại trên tuyến.
Có được kết quả đó là do tính ưu việt vốn có của tàu điện, cộng với hiệu quả toàn diện của công tác tổ chức phục vụ hành khách. Ông Vũ Hồng Trường thông tin: “Từ 1/9, chúng tôi đã chạy 9 đoàn tàu theo đúng kịch bản và thiết kế. Lượng khách đi trải nghiệm gần như bão hòa, còn hành khách sử dụng thường xuyên để đi làm, đi học liên tục tăng không ngừng. Đây là kết quả tốt nhất trong kịch bản khai thác tuyến đã được Bộ GTVT và UBND TP thống nhất ngay từ ban đầu”.
Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Lê Trung Hiếu nhận định, sau một năm vận hành, tuyến ĐSĐT số 2A đã đạt được bốn mục tiêu lớn. Thứ nhất là an toàn tuyệt đối; thứ hai là thu hút đông đảo hành khách, thuyết phục được người dân từ bỏ xe cá nhân để sử dụng vận tải công cộng; thứ ba là rút ra những bài học kinh nghiệm vô giá trong quản lý, vận hành ĐSĐT; thứ tư là xóa tan mọi ngờ vực, mọi dư luận trái chiều về ĐSĐT. “Kết quả đó đã tạo động lực để các cấp, các ngành TP tập trung đẩy nhanh tiến độ các tuyến ĐSĐT, sớm hoàn thiện xương sống của mạng lưới vận tải hành khách công cộng Thủ đô” - ông Lê Trung Hiếu nêu ý kiến.
Phó Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương chia sẻ, riêng trong 9 tháng qua, tuyến ĐSĐT số 2A đã đạt sản lượng 5,4 triệu lượt hành khách, doanh thu đạt 47 tỷ đồng, tăng 5% so với kế hoạch. ĐSĐT đã liên tục lập kỷ lục về lượng khách, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại người dân; góp phần quan trọng nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của vận tải công cộng Hà Nội lên trên 30%.
“Song song với việc vận hành tuyến ĐSĐT số 2A, 8 tuyến buýt đã được mở mới, 55 tuyến điều chỉnh lộ trình để tập trung kết nối với ĐSĐT. Nhờ đó, hai loại hình vận tải công cộng chính của TP đã bổ trợ cho nhau rất tốt. Sản lượng xe buýt đã tăng 15 - 25% từ khi có ĐSĐT” – ông Thái Hồ Phương cho hay.
Ông Vũ Hồng Trường chia sẻ, sau gần một năm vận hành, đội ngũ cán bộ, công nhân viên của công ty đã có sự lớn mạnh và trưởng thành nhanh chóng. Bước đầu tạo dựng được đội ngũ vận hành ĐSĐT văn minh, chuyên nghiệp. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt để tiếp nhận và vận hành tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội theo kế hoạch được Chính phủ và UBND TP đề ra. Hơn nữa, Công ty đã có đủ nguồn lực và sự tự tin để sẵn sàng hỗ trợ TP Hồ Chí Minh tiếp nhận, vận hành tuyến ĐSĐT số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Thạc sĩ Lê Trung Hiếu cho rằng: “ĐSĐT là loại hình vận tải hiện đại, đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao trong quản lý, vận hành. Bên cạnh sự ưu việt của ĐSĐT, sự ủng hộ mạnh mẽ của TP Hà Nội, chính những nỗ lực hết mình, không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Công ty Metro đã đem lại thành công mỹ mãn cho tuyến ĐSĐT số 2A trong năm đầu tiên đầy thử thách”.
Tiếp tục hoàn thiện
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, lượng hành khách liên tục lập kỷ lục mới cho thấy ngày càng nhiều người dân lựa chọn sử dụng tàu điện. ĐSĐT có những lợi thế rất lớn như tàu chạy đúng giờ, thời gian di chuyển và chờ tàu ngắn, độ an toàn cao; kết nối chặt chẽ với xe buýt... Tuy nhiên lượng khách mới chỉ đạt 15% năng lực vận chuyển; để khai thác hết năng lực của ĐSĐT, cần dần hoàn thiện mạng lưới, có thêm nhiều tuyến ĐSĐT nữa vận hành.
Ông Thái Hồ Phương thông tin thêm: “Chúng tôi đang xây dựng chính sách giá vé linh hoạt, đa dạng và tiết kiệm hơn; nghiên cứu đưa thêm một số loại hình phương tiện kết nối với nhà ga ĐSĐT khác như xe đạp điện, xe đạp… Cùng địa phương xem xét, bố trí thêm khu vực trông giữ xe cho khách đi tàu điện. Tăng thêm tiện ích sẽ thu hút thêm hành khách cho ĐSĐT”.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Vũ Hồng Trường cho rằng, muốn thu hút người dân hơn nữa không thể chỉ trông chờ vào một tuyến ĐSĐT. Qua đánh giá, tổng kết từ thực tiễn cho thấy, ĐSĐT rất ưu việt, thu hút được động đảo hành khách đi lại, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Cần sớm có thêm nhiều tuyến ĐSĐT để tháo gỡ khó khăn cho giao thông Hà Nội, làm thay đổi thói quen, tạo dựng văn hóa đi lại của người dân Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại.
Ông Vũ Hồng Trường chia sẻ, sắp tới, công ty sẽ tiếp tục triển khai một số dịch vụ tiện ích, giá trị cao nhằm phục vụ hành khách tốt hơn tại các nhà ga tuyến ĐSĐT số 2A. Đồng thời, nghiên cứu, nâng cấp hệ thống vé theo hướng tiện lợi hơn.
Vị lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng chỉ ra bảy nhóm công việc phải làm để đảm bảo quản lý, vận hành tốt ĐSĐT. Đó là: xây dựng mô hình tổ chức; tuyển dụng và đào tạo nhân lực; xây dựng quy trình duy tu, bảo dưỡng, vận hành toàn hệ thống; xây dựng chính sách giá vé; vận hành thử, tư vấn hỗ trợ vận hành khai thác giai đoạn đầu; chuẩn bị nguồn kinh phí trợ giá. “Từ bài học thành công và kinh nghiệm của tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, chúng tôi rất tự tin sẽ tiếp nhận, vận hành tuyến Nhổn - Ga Hà Nội hiệu quả, thành công” - ông Vũ Hồng Trường nói.
Ông Phùng Văn Chiến (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Sau chuyến đi thử tàu điện Cát Linh - Hà Đông, tôi đã bị ĐSĐT “chinh phục”. Điều mong mỏi nhất bây giờ là tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đi vào hoạt động để người dân khu vực này cũng được đi lại thường xuyên, tiện lợi”.
Chị Phùng Ngọc Ánh (huyện Chương Mỹ) cho biết, mỗi ngày chị vẫn phải đi xe máy từ nhà đến Ga Yên Nghĩa, khoảng gần 10km để lên tàu điện vào trung tâm TP đi làm. Điều chị mong muốn nhất là tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông sẽ được tiếp tục nối dài dọc theo Quốc lộ 6 để thuận tiện sử dụng hơn nữa cho người dân ngoại thành.
Chúng tôi vẫn luôn tâm niệm, hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Có thể nói một năm qua là những bước chân đầu tiên trên hành trình xây dựng hệ thống vận tải công cộng hiện đại cho Hà Nội. Và tuyến ĐSĐT số 2A cũng như tập thể cán bộ, công nhân viên của chúng tôi đã chứng minh được năng lực của mình, ngày càng vững bước vì Thủ đô văn minh, đáng sống.
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường
Nghỉ lễ Quốc khánh, người dân chen chúc đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông
Kinhtedothi - Ngày 2/9, hàng nghìn người dân đã đến và trải nghiệm đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Nhiều người lần đầu được trải nghiệm tàu điện Cát Linh - Hà Đông ngỡ ngàng trước sự văn minh, hiện đại của loại hình vận tải hành khách công cộng này.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vượt mốc 55 nghìn lượt hành khách/ngày
Kinhtedothi - Trong ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đạt mốc 55 nghìn hành khách đi tàu. Con số này đã phá vỡ kỷ lục 54 nghìn hành khách đi tàu vào ngày 1/5 trước đó.
Hàng chục nghìn người sử dụng tàu điện Cát Linh – Hà Đông mỗi ngày
Kinhtedothi - Mỗi ngày tàu điện Cát Linh vận chuyển hơn 32.000 lượt hành khách. Vào giờ cao điểm hành khách chen chân đi tàu để đến nơi làm việc mà không phải lo nghĩ khói, bụi và tắc đường.