Duy trì chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho Hà Nội
Kinhtedothi - Với hơn 10 triệu người dân cư trú thường xuyên và hàng năm đón hàng triệu du khách đến tham quan, nhu cầu tiêu dùng nông sản của TP Hà Nội là rất lớn. Việc bảo đảm nguồn cung các mặt hàng nông sản là nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với ngành nông nghiệp Hà Nội.
Chưa thể tự cung, tự cấp
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, ước tính nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng nông lâm thủy sản thiết yếu của TP hiện nay rất lớn. Cụ thể, trung bình mỗi tháng, Hà Nội cần khoảng 20 nghìn tấn thịt lợn hơi; khoảng 6,7 nghìn tấn thịt gà, vịt.
Mỗi tháng Hà Nội cũng cần khoảng 5,5 nghìn tấn thủy, hải sản tươi đông lạnh; hơn 5,5 nghìn tấn thực phẩm chế biến. Nhu cầu về rau, củ hang tháng vào khoảng 110,5 nghìn tấn và khoảng 132 triệu quả trứng gia cầm…
Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, trong những năm qua, nông nghiệp Thủ đô tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, là một trong những địa phương có quy mô sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước.
Hiện nay, khả năng tự sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông lâm thủy sản của Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với các sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản nước ngọt (cá). Dù vậy, đối với các nông sản thực phẩm khác thì khả năng mới đáp ứng khoảng 20 - 70%.
Những năm qua, lượng hàng hóa nông sản còn thiếu và các sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân Thủ đô, khách du lịch được các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị Hà Nội khai thác từ các tỉnh, TP và một phần nhập khẩu.
Chú trọng chất lượng nông sản
Việc bảo đảm nguồn cung cho TP Hà Nội được Bộ NN&PTNT đặc biệt quan tâm. Theo đó, từ tháng 10/2021, UBND TP Hà Nội và Bộ NN&PTNT đã ký kết thực hiện Chương trình phối hợp số 7237/CTPH-BNNPTNT-UBND về Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, giao thương giữa TP Hà Nội và các tỉnh, TP giai đoạn 2021 - 2025.
Đến nay, Hà Nội và 43 tỉnh, TP trên cả nước đã xây dựng và phát triển được 1.327 chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, góp phần bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng Thủ đô. Trong đó, riêng Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 107 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn.
Vấn đề chất lượng được đặc biệt quan tâm. 100% các chuỗi cung cấp từ các tỉnh, TP và của Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương. 45% số chuỗi cung ứng sản phẩm cho thành phố Hà Nội có ít nhất 1 công đoạn được chứng nhận sản xuất theo một trong các tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO 22000, hữu cơ.
Các tỉnh, TP trong Chương trình phối hợp cũng đẩy mạnh công tác chỉ đạo sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản vùng miền, tăng cường cấp mã số vùng trồng, nâng cac chất lượng, nâng câp chuỗi thành các chuỗi giá trị ngành hàng phục vụ tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, năm 2025 là năm quan trọng kết thúc giai đoạn thực hiện Chương trình phối hợp số 7237/CTPH-BNNPTNT-UBND. Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặc chẽ với Sở NN&PTNT các tỉnh, TP triển khai đầy đủ, có hiệu quả 3 nội dung chương trình.
Trọng tâm là gia tăng số chuỗi, quy mô chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; phát triển, duy trì Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm TP Hà Nội (https://check.hanoi.gov.vn).
Nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, nâng cấp chuỗi cung ứng thành chuỗi giá trị ngành hàng bền vững. Khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ các chuỗi giá trị gắn kết với vùng sản xuất được cấp mã số phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm tại từng công đoạn và trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đồng thời tập trung xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tổ chức truyền thông quảng bá, kết nôi và xúc tiến thương mại sản phẩm trong và ngoài nước.
“Hàng năm, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm cho Thủ đô; kết hợp với đó là làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục các kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm cho các chủ thể trong chuỗi…” - Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng.

Hà Nội: tăng diện tích sản xuất, bảo đảm nguồn cung nông sản Tết Ất Tỵ
Kinhtedothi - Để bảo đảm nguồn cung nông sản cho dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, Hà Nội đang tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương đẩy nhanh tiến độ sản xuất cây trồng vụ Đông, phấn đấu diện tích canh tác tăng 3.000 - 4.000ha so với kế hoạch từ đầu năm.

18 tỉnh thành tham gia Hội chợ trái cây, nông sản an toàn năm 2024
Kinhtedothi - Tối 22/11, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Trì khai mạc Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh thành phố năm 2024.
43 tỉnh thành cung ứng nông sản phục vụ 12 triệu người tiêu dùng Thủ đô
Kinhtedothi - Với khoảng 12 triệu người dân cư trú thường xuyên, việc bảo đảm nguồn cung nông sản là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp Hà Nội. Đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, TP trên cả nước đã xây dựng và phát triển được 1.327 chuỗi cung ứng nông sản an toàn.