EVN và EIB ký biên bản ghi nhớ thu xếp vốn, hợp tác đầu tư
Kinhtedothi - Trong thời gian từ ngày 5 – 11/12/2022, tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại châu Âu, đoàn công tác của EVN đã làm việc với EIB và đối tác về thu xếp vốn và hợp tác trong các dự án đầu tư.
Nhân dịp này, tại Trụ sở của EIB ở Luxembourg, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành và Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) Kris Peeters đã ký kết Biên bản ghi nhớ, tạo tiền đề cho sự đóng góp của EIB vào quá trình phát triển bền vững và lộ trình chuyển dịch năng lượng của EVN theo hướng sử dụng tiết kiệm năng lượng, hiệu quả. Lễ ký có sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính.
Biên bản ghi nhớ mở ra cơ hội để EIB tham gia hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các dự án đầu tư điện tại Việt Nam và tăng cường quan hệ đối tác trong các lĩnh vực sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ điện năng, cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng khử cacbon.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) Kris Peeters cho biết: Cuộc họp tạo điều kiện cho EIB nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác và quan hệ đối tác của chúng tôi với Việt Nam, với tư cách là Ngân hàng Khí hậu của EU trong bối cảnh hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong thích ứng hơn với biến đổi khí hậu và thúc đẩy các lĩnh vực chính của Thỏa thuận xanh của EU.
Việc ký Biên bản ghi nhớ với EVN là cần thiết để đẩy nhanh các cuộc thảo luận, trao đổi thông tin quan trọng và mở đường cho EIB tham gia vào các dự án năng lượng lớn ở Việt Nam. Chúng tôi hỗ trợ quá trình chuyển đổi carbon thấp của Việt Nam sang các hệ thống năng lượng hiện đại đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế, an ninh năng lượng và bền vững môi trường.
Theo Chủ tịch HĐTV Dương Quang Thành, EVN là tập đoàn kinh tế nhà nước chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện ở Việt Nam. Tham gia vào hành trình hiện thực hóa mục tiêu không phát thải thuần vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam, EVN đã và đang xây dựng lộ trình chuyển dịch năng lượng của riêng mình, trong đó sử dụng sản phẩm công nghệ, khuyến cáo người dân, DN sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, hiệu quả.
Theo đó, có nhiều dự án nằm trong danh mục đầu tư tiềm năng trong tương lai như điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng, thủy điện mở rộng, lưới điện truyền tải… đủ điều kiện để EIB tham gia tài trợ.
“Sự hợp tác giữa EVN và EIB được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam phát triển ít khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển dịch công bằng và khử cacbon của hệ thống điện, phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch của Việt Nam hướng tới tương lai không có phát thải ròng” – ông Dương Quang Thành nhấn mạnh.
EIB là định chế cho vay của Liên minh châu Âu (EU), có cổ đông là 27 quốc gia thành viên. EIB là tổ chức tài chính đa phương lớn nhất thế giới và là một trong những nhà tài trợ các dự án thích ứng khí hậu lớn nhất.
Được thành lập năm 1958, EIB đã đầu tư hàng tỷ EURO tập trung trong các lĩnh vực: khí hậu và môi trường, phát triển, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở hạ tầng… EIB cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng như cho vay, bảo lãnh, đầu tư cổ phần, dịch vụ tư vấn…
EIB đã ký Thỏa thuận khung hợp tác tài chính với Việt Nam từ năm 1997. Đến nay EIB đã ký kết với Chính phủ Việt Nam 5 Hiệp định, gồm 2 Hiệp định tín dụng môi trường và 03 Hiệp định Dự án Metro.
EVN cam kết chưa tăng giá điện
Kinhtedothi - Dù áp lực từ các chi phí đầu vào, sản xuất của ngành điện tăng rất mạnh, nhưng EVN sau khi cân đối tài chính cam kết năm 2022 sẽ không tăng giá điện
EVN giảm lỗ hàng nghìn tỷ đồng dù giá nhiên liệu liên tục tăng cao
Kinhtedothi - Theo tính toán, EVN có thể lỗ đến 64.000 tỷ đồng trong năm 2022 khi giá nhiên liệu liên tục tăng cao, giá điện thì vẫn ở mức thấp. Dù vậy, doanh nghiệp cũng tích cực giảm lỗ hàng chục nghìn tỷ.
Cân nhắc tăng giá bán điện
Kinhtedothi - EVN dự báo năm 2022 lỗ hơn 31.000 tỷ đồng do chi phí sản xuất điện và mua điện tăng cao.