Giải bài toán chống ngập cho TP Nha Trang
Kinhtedothi - Dự án Phát triển tích hợp thích ứng - Tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa có tổng vốn đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng được kỳ vọng tạo sự đồng bộ cho toàn hệ thống xử lý nước thải, chống ngập TP Nha Trang.
Đô thị hóa nhanh gây ngập cục bộ
Ngày 16/2, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết: TP Nha Trang nằm trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ, là nơi có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa, phát triển du lịch dịch vụ tăng nhanh trong những năm vừa qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, cùng với thách thức về ô nhiễm môi trường (rác thải, nước thải) do đô thị hóa mang lại, khu vực này ngày càng dễ bị tổn thương trước các rủi ro về lũ lụt do biến đổi khí hậu và thiên tai gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, các cơn bão lớn, lượng mưa tăng nhanh và không ổn định, cùng với đó là các sự kiện thời tiết cực đoan xảy ra do biến đổi khí hậu đã xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn.
“Tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm hạn chế khả năng thoát nước tự nhiên và lưu vực các con sông dần bị thu hẹp dẫn đến năng lực thoát nước tự nhiên không đủ đáp ứng gây ra tình trạng lũ lụt khu vực ngoại thành và các vùng trũng thấp nội thành. Có thể thấy, thời gian gần đây, các cơ mưa lớn kéo dài đã khiến một số xã, phường ngoại thành tại TP Nha Trang ngập cục bộ...” - Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển Khánh Hòa cho biết.
Việc mưa lớn thường xuyên gây ngập cục bộ tại các xã ngoại thành Nha Trang đã khiến người dân vô cùng bức xúc vì ảnh hưởng cuộc sống và thiệt hại về của cải. Ông Đoàn Văn Đức - một người dân tại thôn Phú Trung 2, xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang cho biết, dù chỉ cách trung tâm TP khoảng 5km nhưng mỗi năm gia đình phải chạy lũ 2 - 3 lần.
“Mưa lớn, nước từ thượng nguồn các con sông đổ về khiến khu vực nhà tôi ngập sau. Mỗi lần ngập nước dâng cao đến ngực làm hư hỏng đồ dùng khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và kinh tế. Tôi không thể hình dung một thành phố lớn và phát triển lại để người dân sống khổ suốt nhiều năm như thế” - ông Đoàn Văn Đức bức xúc.
Tuy nhiên, ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong 15 năm trở lại đây, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ ngành thông qua nguồn tài trợ và vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, TP Nha Trang đã được đầu tư, nâng cấp về cơ sở hạ tầng thoát nước, thu gom nước thải và xử lý nước thải cơ bản hoàn thiện.
Cụ thể, khu vực trung tâm và phía Nam TP Nha Trang thông qua dự án Vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải - tiểu dự án Nha Trang (CCESP, 2006 - 2014) đã đầu tư hoàn thành 30km cống cấp một, 3km cống cấp hai, 35km cống cấp ba, thay thế 2.400 hố ga ngăn mùi, 6 trạm bơm nước thải, 10 giếng tách nước thải và 1 nhà máy xử lý nước thải với công suất 40.000m3/ngày đêm.
Giai đoạn 2018 - 2023, dự án Môi trường bền vững các TP duyên hải - tiểu dự án Nha Trang (CCSEP) tiếp tục đầu tư hoàn thiện mạng lưới cho khu vực phía Bắc thành phố gồm hơn 43,5km cống cấp 3 và hơn 500 hố ga ngăn mùi, phục vụ việc thu gom nước thải từ các hộ gia đình, doanh nghiệp tại 12 phường trung tâm, phía Nam và 4 phường phía Bắc, hơn 6,5km cống thoát nước mưa, giải quyết ngập úng, hơn 11km cống thu gom nước thải và 5 trạm bơm nước thải, 6 giếng tách nước thải cùng với 2 hồ điều hòa diện tích 10.000m2, một trạm bơm nước mưa với công suất 10m3/s và nhà máy xử lý nước thải cho khu vực phía Bắc với công suất 15.000m3/ngày đêm.
“Đối với các khu vực ngoại ô và phía Tây thành phố, nơi việc thoát nước vẫn cơ bản dựa vào tự nhiên hiện vẫn đối diện với tình trạng ngập nặng vào mùa mưa như các khu vực Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thái, Phước Đồng. Đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh trong những năm gần đây, bên cạnh việc các khu dân cư hiện hữu vẫn tồn tại giữa các khu vực đô thị mới nhưng công tác chỉnh trang, kết nối hạ tầng theo quy hoạch chưa được thực hiện đồng bộ kịp thời thì tình trạng các dòng sông tự nhiên bị bồi lấp và xâm lấn trong thời gian dài đã hạn chế đáng kể khả năng thoát nước tự nhiên của khu vực này” - ông Châu Ngô Anh Nhân nhận định.
Đầu tư 3.200 tỷ đồng để thoát nước
Để giải quyết bài toán xử lý nước thải và thoát nước khu vực phái Tây Nha Trang, ông Châu Ngô Anh Nhân cho biết hiện đơn vị đang trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Phát triển tích hợp thích ứng - Tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa (IRDP) sau khi đề xuất dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục.
Theo đó, dự án IRDP được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2028 sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới với Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.200 tỷ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục chính: Hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải khu vực phía Tây Nha Trang, hệ thống thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn tại Cam Ranh, đường Vành đai 3 tại Nha Trang từ điểm giao Đại lộ Võ Nguyên Giáp đến Đại lộ Nguyễn Tất Thành.
Cũng theo Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong báo cáo tiền khả thi dự án IRDP sẽ lựa chọn việc xây dựng, kết nối một số các tuyến sông hiệu quả để tăng cường năng lực thoát nước tự nhiên, bao gồm xem xét lựa chọn đầu tư các giải pháp: Khôi phục dòng chảy nối thông phần thượng lưu sông Quán Trường với sông Cái, kênh đào Vĩnh Trung, nối thông phần thượng lưu sông Tắc, cải tạo kênh Diên An - Sông Tắc, kênh Vĩnh Thái - Vĩnh Hiệp và nạo vét, phục hồi khả năng thoát nước khu vực sông Bà Vệ, Kim Bồng, xây dựng các cửa điều tiết và các trạm bơm nước mưa lưu vực Bà Vệ - Kim Bồng.
“Việc hồi sinh và tăng cường kết nối các con sông phía Tây TP Nha Trang kết hợp với việc phá dỡ đập ngăn mặn tạm tại cầu Vĩnh Phương sau khi dự án Đập ngăn mặn Sông Cái hoàn thành (2023) cùng với hệ thống cảnh báo lũ, vận hành điều tiết lũ tại Đập ngăn mặn Sông Cái sẽ góp phần giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng tại khu vực phía Tây thành phố. Ngoài ra, để phục vụ cho việc phát triển khu vực đô thị phía Tây đang dần hình thành theo quy hoạch, dự án IRDP cũng đã đưa vào nghiên cứu đầu tư mạng lưới thu gom, nhà máy xử lý nước thải cho khu vực này và đầu tư một phần tuyến đường Vành đai 3 kết nối giữa Đại lộ Võ Nguyên Giáp và Đại lộ Nguyễn Tất Thành” - ông Châu Ngô Anh Nhân chia sẻ.
Theo đó, dự kiến đến năm 2028, thông qua việc đầu tư các dự án đã nêu, TP Nha Trang sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng úng ngập, vệ sinh môi trường cho cả khu vực trong đô thị và ngoại thành. Đồng thời, tăng cường kết nối giao thông và làm động lực cho việc phát triển đô thị theo định hướng.
Chuyên gia lý giải nhiều khu vực tại TP Nha Trang ngập sâu khi mưa lớn
Kinhtedothi - Những năm gần đây, mỗi khi Khánh Hòa xuất hiện mưa lớn thì nhiều khu vực tại các xã vùng ven TP Nha Trang nhanh chóng chìm trong biển nước. Nhiều khu dân cư ngập sâu trên 1m, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
[Ảnh] Người dân xóm Cồn giữa lòng TP Nha Trang mòn mỏi chờ cây cầu mới
Kinhtedothi - Cây cầu độc đạo nối cồn Ngọc Thảo với TP Nha Trang đã xuống cấp hơn chục năm qua. Thế nhưng cây cầu mới thay thế cầu cũ vừa được đầu tư xây dựng đã nhanh chóng tạm ngưng triển khai khiến hơn 800 hộ dân khu vực này vô cùng bức xúc và lo lắng.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ hoàn thành trước kế hoạch 4 tháng
Kinhtedothi - Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, có chiều dài 49,11 km, tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng dự kiến hoàn thiện vào tháng 9 năm 2023.