Giải mã bí ẩn Kiến trúc điện Kính Thiên có 9 gian, diện tích khoảng 1.188m2
Kinhtedothi - Chiều 27/11, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam đã tổ chức gặp mặt báo chí giới thiệu về Trưng bày “Giải mã bí ẩn Kiến trúc điện Kính Thiên”.
Theo đó, Trưng bày “Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên” khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội ngày 29/11. Trưng bày giới thiệu tư liệu, hiện vật, mô hình kiến trúc kết hợp công nghệ trình chiếu mapping, media về thành tựu nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên dựa trên kết quả nghiên cứu khảo cổ học, sử học và nghiên cứu so sánh với hệ thống kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á.
Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh thành Bùi Minh Trí, điện Kính Thiên là tòa điện thiết triều, nằm chính giữa trung tâm Cấm thành của Kinh đô Thăng Long thời Lê sơ. Đây là nơi diễn ra các nghi thức quan trọng nhất của quốc gia như: Lễ Đăng cơ, lễ Đại triều và lễ đón tiếp sứ thần các nước của triều đình.
Trải qua hơn 388 năm tồn tại, năm 1816, vua Gia Long đã cho xây dựng cung điện mới tại nền điện Kính Thiên để làm hành cung cho các vua nhà Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Năm 1886, sau khi Pháp chiếm Hà Nội, điện Long Thiên bị phá huỷ để xây tòa nhà của quân đội Pháp. Dấu tích lưu lại những ký ức vàng son của điện Kính Thiên còn lại trên mặt đất ngày nay là thềm bậc đá chạm rồng đã trở thành bảo vật quốc gia.
“Từ năm 2011 đến nay, đã có hàng chục cuộc khai quật khảo cổ diễn ra tại xung quanh điện Kính Thiên. Kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học có nhiều phát hiện mới và giá trị, cung cấp thêm nhiều tư liệu khoa học tin cậy cho việc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ, đặc biệt là tòa chính điện Kính Thiên trong Cấm thành Thăng Long.
Tư liệu tin cậy và xác thực của khảo cổ học chứng minh chắc chắn rằng, kiến trúc điện Kính Thiên thuộc loại kiến trúc đấu củng. Đây là chìa khóa quan trọng cho hành trình nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên” – PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết.
Cũng thông tin tới báo chí, PGS.TS Bùi Minh Trí tiết lộ, nghiên cứu so sánh cấu kiện gỗ và các loại ngói lợp mái cho thấy kiến trúc điện Kính Thiên được thiết kế xây dựng rất công phu, trang trí cầu kỳ và tráng lệ theo nghi thức cung đình với nhiều màu sắc lộng lẫy, mang vẻ đẹp quyền uy và thịnh vượng của vương triều, mang nét tương đồng với các cung điện nổi tiếng nhất ở Đông Á cùng thời, như cung điện ở Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) hay Changdeokgung (Seoul - Hàn Quốc).
Ngoài ra, trên mái điện Kính Thiên được lợp bằng loại ngói rất đặc sắc, đó là loại ngói rồng (ngói hình con rồng). Đây là loại ngói độc đáo nhất trong tất cả các loại ngói lợp mái cung điện cổ ở châu Á thời bấy giờ, đưa lại một sắc thái rất riêng biệt, mang đầy tính sáng tạo của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ.
“Dựa vào kích thước của thềm bậc đá chạm rồng có thể tính được gian chính của điện Kính Thiên có chiều rộng 4,8m, gian hai bên rộng 4,2m. Từ số liệu này kết hợp nghiên cứu so sánh với mặt bằng chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa) có thể xác định được số gian chiều ngang của điện Kính Thiên là 9 gian (7 gian 2 chái), chiều sâu của lòng điện là 6 gian, có diện tích lớn khoảng 1.188m2, trong đó chiều ngang có 10 cột, chiều dọc có 6 cột, tổng cộng công trình có 60 cột gỗ” - PGS.TS Bùi Minh Trí bật mí.
Hiện thực hoá khát vọng phục dựng điện Kính Thiên
Kinhtedothi - Điện Kính Thiên thời Lê là không gian thiêng quan trọng nhất của kinh đô Thăng Long và của Việt Nam. Sau nhiều năm rục rịch, Hà Nội đã và đang khẩn trương, tích cực phục dựng điện Kính Thiên để phát huy hơn nữa giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long.
Phỏng dựng hay phục dựng điện Kính Thiên?
Kinhtedothi - Điện Kính Thiên - nơi ngự trị của 54 vị vua của nước Đại Việt vẫn còn là không gian mơ hồ, du khách chưa sờ được thấy.
Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên
Kinhtedothi - Ngày 29/11, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, phối hợp với Sở VH&TT Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội sẽ tổ chức Trưng bày “Giải mã bí ẩn Kiến trúc điện Kính Thiên”.