Giỗ Tổ tại nhiều địa phương
Kinhtedothi - Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng không chỉ là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ các bậc tiền nhân mà còn là dịp để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng ngàn năm.
Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022, nhiều địa phương đã đồng thời tổ chức các hoạt động đặc sắc, khánh thành những công trình ý nghĩa để cùng góp giỗ về miền đất Tổ.
“Hội tụ tinh hoa văn hóa Việt” trong 4 ngày Giỗ Tổ
TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 trong 4 ngày, từ ngày 8 - 11/4 (tức 8 - 11/3 Âm lịch) tại Khu tưởng niệm các vua Hùng, thuộc Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (TP Thủ Đức) với nhiều hoạt động đặc sắc. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 được UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Ban quản lý Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc và Công ty TNHH VECO Việt Nam phối hợp tổ chức.
Với chủ đề “Hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam”, lễ hội sẽ được khai mạc vào 18 giờ ngày 8/4 tại quảng trường Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc với các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc. Tiếp theo đó, các gian hàng trò chơi dân gian, khu vực ẩm thực 3 miền và khu trưng bày cổ vật với chủ đề "54 dân tộc anh em đại đoàn kết" sẽ được tổ chức, phục vụ người dân và du khách trong suốt những ngày diễn ra lễ hội.
Ông Từ Hồng Long - đại diện Ban quản lý Công viên lịch sử - văn hóa dân tộc TP Hồ Chí Minh cho biết, ngày 10/4 (ngày mùng 10/3) - ngày chính của lễ hội sẽ diễn ra nghi thức lễ dâng hương thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước. Sau đó các đoàn diễu hành sẽ tập trung ở khu vực chánh điện để chính thức làm lễ giỗ.
Khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ
Nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2022, tại TP Cần Thơ đã chính thức khánh thành công trình đền thờ Vua Hùng – một điểm kết nối linh thiêng với đền Hùng tại Phú Thọ, một điểm nhấn trung tâm để người dân Đồng bằng sông Cửu Long thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Đền thờ vua Hùng Cần Thơ với diện tích 4ha gồm các hạng mục: Cổng vào, đền thờ chính, nhà điều hành, nhà dịch vụ, nghi môn, nhà bia, sân đường, cây xanh, thảm cỏ, hồ điều hòa… Cổng chính của đền thờ Vua Hùng sang trọng, gây ấn tượng mạnh mẽ với hai chim hạc hai bên chào đón du khách bốn phương đến dâng hương, chiêm bái. Thiết kế tổng thể hình bản đồ Việt Nam với trục thần đạo đi từ đường Ðặng Văn Dầy đến đền chính.
Điểm nhấn của công trình là đền thờ chính với hình tượng trống đồng cách điệu 18 cánh cung điêu khắc hoa văn đại diện cho 18 đời Hùng Vương, được bao quanh bởi hồ nước. Đền thờ chính cao 19,5m, diện tích gần 1.300m2, có hình khối tròn xây trên nền vuông, tượng trưng cho trời và đất. Bao quanh đền thờ chính là 54 khối cột hình trụ cao 4,5m, đường kính 1m kết thành vòng tròn trong hồ điều hòa, các trụ cột tượng trưng cho cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Từ ngày 7/4, đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ đã mở cửa đón du khách.
Ngoài ra, tại các tỉnh, thành miền Trung và nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc cũng đã tổ chức các đoàn dâng lễ vật về núi Nghĩa Lĩnh (thuộc Khu di tích lịch sử đền Hùng) để cùng góp giỗ.
Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022, người lao động được nghỉ 3 ngày liên tiếp
Kinhtedothi – Theo quy định Bộ luật Lao động năm 2019, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là người lao động) được nghỉ Ngày giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10/3 âm lịch).
Người dân hào hứng về đền Hùng dâng hương trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Kinhtedothi - Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị ngày 4/4 (tức ngày 4 tháng 3 âm lịch), người dân khá hào hứng di chuyển đến Khu di tích lịch sử đền Hùng từ sớm để dâng hương lên quốc Tổ vua Hùng. Mặc dù còn một tuần nữa mới đến ngày chính giỗ.
Lễ vật trong mâm cúng Giỗ Tổ Hùng Vương gồm những gì?
Kinhtedothi - Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà còn là dịp nhắc nhở con cháu phải thấu hiểu giá trị văn hóa dân tộc, nguồn cội của tổ tiên.