Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Giữ hồn cho tranh Hàng Trống

Kinhtedothi - Có một dạo thay vì treo những bức tranh Đám cưới chuột, Vinh hoa phú quý, Cá chép trông trăng… bên mâm ngũ quả ngày Tết, người Hà Nội chăng đèn lồng, đèn nhấp nháy cùng những bức tranh phong cảnh.

Người trẻ coi đó là thời thượng, người già thì thắc thỏm có gì đó chẳng giống Tết xưa. Bởi Tết xưa của người Hà Nội là cảnh nhộn nhịp rủ nhau lên phường tranh Hàng Trống sắm cho mình một bức tranh quý. 
Nét tinh xảo của người Tràng An

Thú chơi tranh Hàng Trống của người Hà Nội chẳng bao giờ giống ai vì họ chơi theo kiểu quý tộc. Tranh phải to, chỉ có thể bày trong phòng khách thoáng đãng hoặc nơi linh thiêng thờ cúng của những gia đình thành thị. Nghệ thuật thể hiện trên mỗi bức tranh cũng phải rất tinh xảo, không in đồng loạt mà phải nửa in nửa vẽ, phải thanh cao trong cách tô màu, không mộc mạc như tranh Đông Hồ, cũng không khoa trương màu sắc như tranh Kiếng, tranh Làng Sình.
 Bộ tranh Tứ bình - tranh dân gian Hàng Trống (từ trái sang: Mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Thu, mùa Đông).
Được coi là dòng tranh dân gian chính của 36 phố phường, tranh Hàng Trống chủ yếu phục vụ thị hiếu nghệ thuật của tầng lớp thị dân, quý tộc Thăng Long. Dòng tranh này chịu ảnh hưởng rõ rệt của các luồng tư tưởng, văn hóa, tôn giáo vùng miền dân tộc. Tranh Hàng Trống có hai loại chính là tranh thờ và tranh Tết, không gian tranh thường là phòng khách thoáng đãng hoặc nơi linh thiêng thờ cúng, chịu nhiều ảnh hưởng của tranh Niêu hoa Trung Quốc với các đề tài “Đám cưới chuột”, “Vinh hoa, phú quý”, “Thất đồng”…

Hồi cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, tranh Hàng Trống ở giai đoạn cực thịnh và nó gắn với chỉ địa danh rất dân gian: Phường tranh Hàng Trống. Ngày nay, nơi đây không còn ai gọi là phường tranh mà đã là phố Hàng Trống. Phố phường tấp nập, nhưng đi kèm với đó lại là sự giảm hưng thịnh của dòng tranh này. Từ hàng trăm người từng vẽ, kinh doanh tranh Hàng Trống đến nay chỉ còn có nghệ nhân, họa sĩ Lê Đình Nghiên, con cháu nghệ nhân Lê Đình Liệu là nung nấu giữ hồn cho một dòng tranh.

Đánh động quá khứ bằng tranh

Sinh ra trong một gia đình truyền thống làm tranh nhưng chỉ có ông Nghiên nối nghiệp nghệ nhân Lê Đình Liệu. Đến thời mình, ông đang cố gắng “nhen lửa nghề” cho 2 người con của mình. Và cũng vì lo 2 người con không đủ thổi bùng dòng tranh đã “đuối sức”, thời kỳ những năm đầu thế kỷ XX, nghệ nhân Nghiên mang tranh đi khắp nơi, từ trưng bày triển lãm đến giới thiệu ở các hội chợ, chỉ để cố lưu lại một nét văn hóa của Hà Nội. Nói như ông Nghiên, những cuộc “chinh phục bằng tranh” ấy sẽ đánh động, làm thức dậy quá khứ huy hoàng của một dòng tranh đã và đang dần ngủ quên trong trí nhớ của ít nhiều người dân Việt. Và, cũng biết đâu đấy, công cuộc kiếm tìm “người giữ lửa cho tranh Hàng Trống sẽ không chỉ có một người, nhiều người hưởng ứng mà thậm chí hẳn một thế hệ đủ tâm huyết, tài năng và niềm tin sẽ cùng ông “cứu sống và gây dựng lại” một sản phẩm kết tinh của lao động vật chất và lao động tinh thần.

Rồi, nghệ nhân không uổng công suốt hơn 10 năm truyền lửa yêu tranh đến mọi người. Đến căn nhà số 22, nằm sâu hút trên phố Cửa Đông của nghệ nhân Lê Đình Nghiên sẽ thấy la liệt tranh. Một vài năm trở đây, nghệ nhân Nghiên cùng các con của mình quanh năm tất bật công việc vẽ và phục chế tranh Hàng Trống. Hơn 50 năm cầm bút ông từng xúc động rơi nước mắt khi thấy một bạn trẻ mang những bức tranh của gia đình treo từ vài chục năm, thậm chí là cả 100 năm đã cũ mờ, rách nát đến nhờ ông phục chế lại. Nghệ nhân chia sẻ, điều đáng mừng là bây giờ người trẻ họ chơi tranh đòi hỏi cao hơn nên bản thân ông mỗi ngày cũng mày mò nâng cao kỹ thuật làm tranh để tạo được một tác phẩm tranh dân gian Hàng Trống thực sự, chứ không làm kiểu ào ạt như trước.

Nhìn những thành quả phục dựng tranh Hàng Trống của ngày hôm nay, nghệ nhân Nghiên cho rằng nếu ông có khuất núi, quy tiên vẫn thấy an lòng. Bởi, dòng tranh đã gắn với văn hóa người Tràng An thanh lịch, gắn với cuộc đời mình sẽ vẫn được tạo nên bởi bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của người thợ thủ công nhưng vẫn thể hiện được tính nghệ thuật cao, hàm chứa những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc?! Khối óc đó là của những người trẻ như con ông và rất nhiều người khác đang học nghề trong gia đình ông.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ