Giúp doanh nghiệp hỗ trợ Hà Nội tìm kiếm cơ hội, kết nối giao thương
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Hoàng cho biết, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại...
Thị trường, công nghệ, vốn… còn nhiều khó khăn
Theo số liệu thống kê, TP Hà Nội hiện có khoảng 900 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có gần 300 doanh nghiệp đã có những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu kinh tế cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ của TP Hà Nội vẫn bộc lộ nhiều tồn tại. Cụ thể, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô đạt khoảng 5 - 20%; điện tử 5 - 10%; da giày, dệt may 30%; cơ khí chế tạo tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 15 - 20%.
Tỷ lệ nội địa hóa thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hằng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD. Riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 35 - 50 tỷ USD.
Hơn nữa, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn thiếu nguồn lực để đổi mới. Năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp chưa đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo các chuyên gia, thời gian qua, dù Việt Nam đã chủ động mở cửa để đón nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ của vẫn chỉ dừng lại ở việc cung cấp ốc vít, khuôn nhựa, linh kiện phụ tùng... cho các đối tác nước ngoài.
Đáng nói, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, khi tham gia lĩnh vực này phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực, vốn…
Giúp DN cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu
Trong năm 2023, TP Hà Nội phấn đấu có khoảng 950 doanh nghiệp (tăng khoảng 20 doanh nghiệp so với năm 2022) hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có khoảng 300 - 350 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Hoàng cho biết, để đạt mục tiêu trên, TP Hà Nội sẽ thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.
Đồng thời, tạo môi trường gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, kết nối giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp Hà Nội tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu trong công nghiệp chế tạo.
“TP Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại. Mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số). Nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu…” - ông Nguyễn Hoàng cho hay.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân cho biết, phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm và nâng cao nguồn nhân lực là một trong những mục tiêu trọng tâm của HANSIBA riêng trong năm 2023. HANSIBA đang nỗ lực giúp các doanh nghiệp cùng phát triển bằng việc kết nối các doanh nghiệp có được bạn hàng trong nước và quốc tế.
Đồng thời, tiếp tục phát triển hội viên, quy tụ các doanh nghiệp đã, đang và sẽ tham gia hiệp hội để hiểu rõ năng lực cũng như nhu cầu của mỗi hội viên trong từng lĩnh vực để kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp về nguồn vốn, chính sách đất đai, vật tư thiết bị đầu vào, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng từng bước đẩy mạnh hoạt động công nghiệp hỗ trợ của TP Hà Nội cũng như cả nước.
Hà Nội tạo cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kết nối kinh doanh
kinhtedothi-Nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam ngành công nghiệp hỗ trợ tiếp cận công nghệ mới, từ ngày 23-25/8, trong khuôn khổ Hội chợ công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2023 (FBC ASEAN 2023) sẽ diễn ra sự kiện kết nối kinh doanh B2B giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp quốc tế.
Bệ đỡ chính sách cho công nghiệp hỗ trợ
Kinhtedothi-Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với dự thảo sửa đổi nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 111) về phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất.
Nỗ lực thu hút đầu tư và tham gia chuỗi của công nghiệp hỗ trợ
Kinhtedothi - Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã, đang và sẽ nhận được nhiều sự quan tâm từ các đối tác. Song tác động của nền kinh tế khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải nỗ lực, có chiến lược và cơ chế để thích ứng…