Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hạ nhiệt giá phân bón: Có nên tăng thuế xuất khẩu?

Kinhtedothi - Để hạ nhiệt giá phân bón, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong các sản phẩm. Tuy nhiên, đề xuất này đang nhận phải nhiều ý kiến trái chiều.

“Gậy ông đập lưng ông”

Giá phân bón thời gian qua liên tục tăng cao do ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới và chiến sự Nga - Ukraine làm suy giảm nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, tình trạng khan hiếm container rỗng và thiếu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, như thiếu quặng apatit tuyển để sản xuất phân bón NPK cũng góp phần đẩy giá mặt hàng phân bón tăng cao.

Trong khi đó, hàng năm Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Đơn cử như năm 2021, lượng phân bón sử dụng là 10,7 triệu tấn. Trong đó, lượng phân bón sản xuất trong nước 7,2 triệu tấn, nhập khẩu 5,1 triệu tấn; xuất khẩu 1,6 triệu tấn.

Để đảm bảo nguồn cung, hạ nhiệt giá phân bón, mới đây Bộ Tài chính đã trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.

Theo đó, đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51%, giá thành sản phẩm sẽ có mức thuế suất thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Đối với mặt hàng phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5% như hiện hành. Riêng đối với phân bón thuộc nhóm 31.01 là phân bón hữu cơ, không sử dụng tài nguyên khoáng sản, Bộ Tài chính trình Chính phủ giữ mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0% như hiện hành.

Giá phân bón trong nước và thế giới tăng cao nhất trong vòng 50 năm trở lại đây

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Trương Bá Tuấn cho biết, thời gian qua nhiều quốc gia hạn chế việc xuất khẩu phân bón để giữ ổn định thị trường nội địa. Thực hiện phương án này sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón cho sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và DN. Đồng thời giảm bớt thủ tục hành chính do việc DN và cơ quan hải quan phải xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm như quy định hiện hành, thống nhất về thuế xuất khẩu với các DN. Bên cạnh đó, thực hiện theo phương án này sẽ góp phần tăng thu ngân sách từ phân bón.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh, mặc dù tổng khối lượng phân bón sản xuất hàng năm đang thiếu khoảng 4 triệu tấn, nhưng có sự khác nhau giữa các chủng loại phân bón. Trong khi đó, lượng phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Cho dù lượng phân bón xuất khẩu tăng cao, nhưng tổng nguồn cung từ sản xuất trong nước và nhập khẩu, trừ đi lượng phân bón đã xuất khẩu, thì cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Do đó, chưa đủ cơ sở để phải ngừng xuất khẩu phân bón.

 

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có hơn 800 cơ sở sản xuất phân bón, đại đa số là cơ sở sản xuất phân bón NPK với tổng công suất thiết kế trên 29 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp nước ta khoảng 11 triệu tấn/năm.

Đứng ở góc độ DN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho rằng, việc tăng thuế xuất khẩu với mặt hàng phân bón sẽ gây khó khăn cho DN mà không đạt được mục đích đặt ra. Nếu áp dụng chính sách này, nhóm những nhà sản xuất phân bón NPK bị thiệt hại nhiều nhất. Và chưa hẳn việc áp thuế xuất khẩu 5% sẽ đem lại kỳ vọng về ổn định nguồn cung, giảm giá phân bón trong nước như kỳ vọng của Nghị định.

Thực tế hiện nay, nhóm phân đạm ure và lân nung chảy trước đây vẫn đang đóng thuế phí tài nguyên, nên bây giờ nếu phải đóng thuế xuất khẩu 5% thì không thay đổi. Đối với phân bón NPK hoặc phân chứa lân, hiện nay sản xuất trong nước cung đã vượt cầu, nên áp thuế 5% như vậy sẽ làm giảm sức cạnh tranh của  DN sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, giảm lượng xuất khẩu phân bón NPK hoặc phân bón chứa lân cũng đồng nghĩa với việc giảm nguồn thu thuế xuất khẩu vào ngân sách Nhà nước.

Cần áp dụng chính sách linh hoạt

Ngay sau khi Bộ Tài chính đề xuất, Hiệp hội phân bón Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Tài chính về góp ý đối với dự thảo của Bộ Tài chính về việc áp thuế xuất khẩu 5% đối với một số mặt hàng phân bón.

Theo đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính xem xét, đánh giá và đề xuất mức thuế xuất khẩu riêng biệt cho từng loại phân bón, áp thuế xuất khẩu cho những loại nào mà trong nước sản xuất cung chưa đủ cầu. Còn với những chủng loại phân bón mà trong nước cung đã vượt cầu như NPK thì cần khuyến khích xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cân nhắc đề xuất Chính phủ nên áp dụng linh hoạt, tạm thời thuế xuất khẩu phân bón trong những thời điểm nhất định tùy theo thời tiết, tùy theo thời vụ, tùy theo thời giá.

 

Theo quy định Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, phân bón có giá trị tài nguyên và kháng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất xuất khẩu 0%. Với phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thuế suất xuất khẩu là 5%.

Đưa ra giải pháp để hạ nhiệt giá phân bón trong nước, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho rằng, các DN cần phát huy tối đa công suất và tìm mọi cách giảm chi phí, hạ giá thành bằng cách giảm các đầu mối trung gian phân phối phân bón, nhanh chóng đưa phân bón đến nông dân. Vào các cao điểm mùa vụ ở trong nước, DN Việt Nam cần phát huy trách nhiệm xã hội, ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp trong nước trước khi nghĩ tới xuất khẩu cho dù phân bón không thuộc mặt hàng cấm xuất khẩu.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Thành Đạt cho biết, phân bón là nguyên liệu đầu vào quan trọng bậc nhất trong sản xuất, trồng trọt. Với giá phân bón hiện nay, chi phí phân bón chiếm tới 20 - 25% giá thành sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long khiến sức cạnh tranh của sản phẩm bị ảnh hưởng rất lớn.

Đặc biệt, khi giá phân bón tăng cao thì hiện tượng phân bón giả, phân bón kém chất lượng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Vì vậy, các cơ quan quản lý tăng cường chế tài xử phạt để lành mạnh thị trường và bảo vệ lợi ích của người nông dân. Mặt khác, việc giảm bớt một số thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN sản xuất, DN nhập khẩu và cho nông dân cũng là giải pháp đồng thời để từng bước góp phần hạ nhiệt giá phân bón.

Về phía người nông dân cần áp dụng quy tắc "5 đúng" khi sử dụng phân bón trong sản xuất (số lượng, chủng loại, thời tiết, mùa vụ, phương pháp), và tăng cường sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp để thay thế một phần phân vô cơ.

Nhức nhối tình trạng buôn bán phân bón giả, kém chất lượng

Nhức nhối tình trạng buôn bán phân bón giả, kém chất lượng

Ứng phó với giá phân bón tăng cao

Ứng phó với giá phân bón tăng cao

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

25/01/2025 | 07:30

Kinhtedothi - Do các quy định ở giai đoạn trước về đầu tư, kinh doanh, khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng, nên việc triển khai xã hội hóa nguồn lực gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 165/2024/NĐ-CP có hiệu lực sẽ giúp khai thông cơ chế, tháo gỡ các bất cập.

TOD và bài toán quy hoạch

TOD và bài toán quy hoạch

19/01/2025 | 09:24

Kinhtedothi - Transit Oriented Development (TOD) là định hướng phát triển đô thị lấy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Đây cũng là định hướng phát triển của Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên TOD cũng đặt ra cho TP bài toán khó về quy hoạch.

Tin tài trợ