Hà Nội: Bắt tạm giam 3 đối tượng sản xuất hơn 100 tấn sách giả
Kinhtedothi - Nhóm đối tượng đã tổ chức sản xuất, in ấn, đóng gói và buôn bán số lượng lớn sách của nhiều nhà xuất bản khác nhau mà không có bản quyền xuất bản, không có hợp đồng liên kết xuất bản, in ấn và không có giấy phép hoạt động in ấn theo quy định.
Ngày 4/1/2023, thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội, đơn vị vừa khởi tố các đối tượng bao gồm: Nguyễn Tiến Đạt, Phan Thành Long và Đinh Văn Thịnh về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả. Các đối tượng đã cấu kết, tổ chức in ấn và đưa ra thị trường hơn 100 tấn sách giả.
Thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ Tết Nguyên đán, qua quá trình trinh sát, đơn vị phát hiện đối tượng Nguyễn Tiến Đạt (SN 1993, trú tại khu đô thị Nam Trung Yên, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thuê nhiều địa điểm thuộc địa bàn huyện Quốc Oai, huyện Thạch Thất để sản xuất, buôn bán số lượng lớn các loại sách không có nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng tiến hành xác minh, tại các Nhà xuất bản xác định sách do đối tượng Đạt rao bán đều là sách giả, không phải của các Nhà xuất bản in ấn, phát hành. Quá trình trinh sát phát hiện các đối tượng sử dụng ô tô tải vận chuyển sách từ xưởng photocoppy in ấn đến các kho sách.
Quá trình trinh sát, mật phục theo dấu đối tượng, ngày 20/12/2022, các tổ công tác của Phòng An ninh chính trị nội bộ, An ninh điều tra phối hợp với Công an các huyện Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội) và công an các xã trên địa bàn đã đồng loạt ra quân kiểm tra 8 kho xưởng liên quan đến việc in ấn, kinh doanh sách giả.
Tại đây, cơ quan công an thu giữ khoảng 100 tấn sách với hơn 400 đầu sách và gần 400.000 cuốn; 2 máy in 4 màu và 1 màu, 37 máy photocoppy, 6 máy cắt, 10 máy bìa, 1 máy ra kẽm, 2 hệ thống cắt gập (2 máy gấp, 2 máy cán) 200 bản kẽm.
Qua điều tra ban đầu xác định năm 2018, Nguyễn Tiến Đạt mở cửa hàng bán sách cũ tại địa chỉ 676 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. Quá trình buôn bán sách cũ thấy nhu cầu của khách hàng nhiều mà nguồn sách không có, nên khoảng tháng 10/2020, Đạt nảy sinh ý định thuê kho xưởng, mua máy móc sản xuất, đóng gói sách giả để bán cho khách hàng có nhu cầu.
Tiếp đó, Nguyễn Tiến Đạt rủ Phan Thành Long (SN 1999) trú tại khu 15 xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, là cháu họ của Đạt và Đinh Văn Thịnh (SN 1993, trú tại xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai) góp vốn cùng làm. Long chịu trách nhiệm quản lý công việc tại xưởng in, photocopy.
Đối tượng Đạt chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động sản xuất, mua bán. Tuy nhiên, trên thực tế do Thịnh không có tiền nên chỉ được thuê quản lý xưởng photocoppy cùng Long và được trả lương 9 triệu đồng/ tháng. Nhóm Đạt, Thịnh, Long đã tổ chức sản xuất, in ấn, đóng gói và buôn bán số lượng lớn sách của nhiều nhà xuất bản khác nhau mà không có bản quyền xuất bản, không có hợp đồng liên kết xuất bản, in ấn và không có giấy phép hoạt động in ấn theo quy định.
Hiện Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Tiến Đạt, Phan Thành Long, Đinh Văn Thịnh để điều tra về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả, quy định tại Điều 192 - Bộ luật Hình sự.
Phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại: Cần cộng đồng trách nhiệm
Kinhtedothi - Việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại được các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn phức tạp với thủ đoạn tinh vi. Để giải quyết triệt để vấn đề này cần trách nhiệm của cả người tiêu dùng, DN lẫn cơ quan chức năng.
Mạnh tay ngăn chặn nạn buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm
Kinhtedothi - Cận Tết Nguyên đán là thời điểm tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại hoạt động phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Do đó, cần kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm, góp phần ổn định thị trường hàng hóa, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng đón Tết an toàn.
Buôn lậu và gian lận thương mại ''vẫn nóng''
Kinhtedothi - Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), JTI Việt Nam tổ chức hội thảo: "Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt".