Hà Nội: cấp bách xử lý sự cố lún, nứt đê Ngọc Tảo huyện Phúc Thọ
Kinhtedothi - Tình trạng lún, nứt đê Ngọc Tảo đoạn qua địa phận hai xã Ngọc Tảo và Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) diễn biến phức tạp. UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo các sở ngành và huyện Phúc Thọ tập trung xử lý khẩn cấp.
Sự cố diễn biến phức tạp
Ghi nhận của phóng viên, sự cố được ghi nhận tại hai đoạn thuộc địa bàn hai xã: Ngọc Tảo và Tam Hiệp. Cụ thể, vị trí lún, nứt mặt đê Ngọc Tảo tương ứng K7+510 đến K7+610 đê Ngọc Tảo (xã Ngọc Tảo) có chiều dài khoảng 100m.
Lún, nứt mặt đê tương ứng vị trí K10+600 đến K10+700 đê Ngọc Tảo (xã Tam Hiệp) có chiều dài khoảng 100m. Như vậy, tổng chiều dài sự cố lún, nứt đê Ngọc Tảo là 200m.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Cấn Văn Hồng cho biết, diễn biến sự cố nứt mặt đê Ngọc Tảo thuộc địa bàn hai xã nêu trên đã xẩy ra và phát triển cả chiều dài, chiều rộng, chiều sâu trong thời gian mưa bão.
“Sự cố diễn biến phức tạp có nguy cơ gây mất an toàn cho tuyến đê Ngọc Tảo, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông trong khu vực xảy ra nứt đê” - ông Cấn Văn Hồng nói thêm.
Hoàn thành khắc phục trong tháng 5/2025
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, đơn vị đã nắm được tình hình, tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra thực tế; tham mưu Sở NN&PTNT có văn bản đề xuất hướng xử lý, gửi UBND TP Hà Nội xem xét.
Trên cơ sở báo cáo đề xuất của sở chuyên ngành, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Quyết định số 6597/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp nứt mặt đê Ngọc Tảo trên địa bàn huyện Phúc Thọ.
Theo đó, UBND TP Hà Nội giao UBND huyện Phúc Thọ chủ trì, phối hợp với Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai duy trì thực hiện việc cảnh báo, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đê phạm vi nứt mặt đê.
Tiếp tục tổ chức xử lý giờ đầu theo phương châm 4 tại chỗ; thực hiện biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế cao nhất sự phát triển của vết nứt, đồng thời có biện pháp không để nước mưa chảy vào các khe nứt, lún sụt.
Được biết, để khắc phục triệt để sự cố, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Lệnh xây dựng công trình “Xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng nứt mặt đê Ngọc Tảo trên địa bàn huyện Phúc Thọ”. Dự kiến chi phí đầu tư 12 tỷ đồng, nguồn vốn từ nguồn ngân sách TP Hà Nội. Thời gian thi công công trình hoàn thành trước 30/5/2025.
“Hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội vẫn đang phối hợp với UBND huyện Phúc Thọ theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, tổ chức xử lý giờ đầu theo phương châm 4 tại chỗ; thực hiện biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế cao nhất sự phát triển của các vết nứt mặt đê; thông báo rộng rãi tình huống khẩn cấp trên…” - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du.
An toàn đê điều, chống lũ là yêu cầu bắt buộc trong quy hoạch sông Hồng
Kinhtedothi – Theo Phó Giám đốc Sở QH-KT Phạm Quốc Tuyến, TP Hà Nội vẫn đang trình cấp có thẩm quyền về Quy hoạch Thủ đô. Trong Quy hoạch Thủ đô có phần tích hợp của phương án chi tiết phòng, chống lũ của các tuyến sông trên địa bàn để có cơ sở triển khai giai đoạn tới.
Giữ an toàn đê điều: cần tính toán lại mực nước báo động trên các sông
Kinhtedothi - Thiên tai trong năm 2024, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã bộc lộ và đặt ra nhiều vấn đề, trong đó cần thiết phải tính toán lại mực nước báo động của các tuyến sông có đê; tính toán việc xử lý sự cố đê điều mang tính hệ thống.
Hà Nội: Quản lý chặt hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi
Kinhtedothi - Sáng 19/12, tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Nguyễn Trọng Kỳ Anh đã báo cáo về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn TP.