Hà Nội - điểm đến thân thiện và hòa bình
Kinhtedothi - Dự kiến ngày 27 - 28/2 tới, cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm Hà Nội nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Đây là cơ hội để Hà Nội quảng bá hình ảnh một Thủ đô yêu chuộng hòa bình, thân thiện, có nền văn hiến lâu đời và nhiều tiềm năng để hợp tác phát triển.
Thủ đô phát triểnTheo dõi trên các diễn đàn, truyền thông, báo chí những ngày qua, chưa khi nào địa danh Hà Nội - Việt Nam được quốc tế nhắc tới với tần suất dày đặc như thế. Không chỉ tìm kiếm thông tin về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên, dư luận quốc tế còn quan tâm đến Hà Nội - nơi diễn ra cuộc gặp. Như nhiều chuyên gia quốc tế và báo chí quốc tế nhận định, Hà Nội là địa điểm thích hợp để Mỹ và Triều Tiên tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh được cả thế giới quan tâm. Đồng thời cũng phản ánh những đánh giá tích cực về Hà Nội.
Đến nay, Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Trong những năm qua, Hà Nội cũng đang trên đà phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, nhưng vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống. Hà Nội cũng đã khẳng định được vị thế và tạo sự tin tưởng tuyệt đối về an toàn, an ninh qua việc tổ chức hàng loạt sự kiện chính trị, kinh tế lớn của quốc tế và khu vực.
Hà Nội hôm nay, song song với những hình ảnh truyền thống, trong nhịp sống đô thị hiện đại, Thủ đô đã và đang khoác lên mình chiếc áo mới, diện mạo mới với những bước tiến dài, những đổi thay ngoạn mục. Hà Nội với vai trò là đầu tàu kinh tế của các tỉnh phía Bắc.
Năm 2018, thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội đạt hơn 7,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập. Trong 3 năm (2016 - 2018), Hà Nội thu hút gần 13,25 tỷ USD, bằng hơn 2 lần giai đoạn 2011 - 2015. Hà Nội cũng là địa điểm của 1.600 văn phòng đại diện nước ngoài, 14 khu công nghiệp cùng 1,6 vạn cơ sở sản xuất công nghiệp. Đây là những lý do để Hà Nội trở thành TP có tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước.Cùng với phát triển kinh tế, dù vẫn đang đối mặt với những thách thức của quá trình đô thị hóa với các vấn đề về nhà ở, cung cấp dịch vụ xã hội, ô nhiễm môi trường… nhưng Hà Nội vẫn đang ưu tiên nâng cao chất lượng an sinh xã hội, cuộc sống cho người dân, triển khai các bước cụ thể để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống... Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 còn 1,16%, vượt chỉ tiêu đề ra và hoàn thành trước 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,5% dân số, vượt 1,2% kế hoạch. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 84,19%, về đích sớm 2 năm. Cùng với 4 huyện đã đạt chuẩn, Hà Nội đã có thêm 3 huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới là Gia Lâm, Quốc Oai và Thạch Thất, tạo ra sự thay đổi diện mạo mới ở nông thôn.Bên cạnh đó, hàng loạt công trình, các tòa cao ốc, những khu đô thị mới hình thành đã cho thấy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội của TP. Những con đường xuyên tâm, những cây cầu, những tuyến phố được nâng cấp, mở rộng không chỉ tạo sự kết nối thuận tiện trong nội đô, mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh, TP cả nước. Công tác quản lý đô thị được các cấp chính quyền đẩy mạnh, quản lý hè phố, vệ sinh môi trường được duy trì tốt; ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm, từng bước hình thành các điều kiện xây dựng dữ liệu lớn và thành phố thông minh.Tích cực hội nhập quốc tếTrong hợp tác quốc tế, Hà Nội đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 Thủ đô, TP của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều hội nghị cấp quốc tế đã được tổ chức ở Hà Nội, trong đó có Hội nghị cấp cao APEC vào năm 2006; gần đây nhất là Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN… đã khẳng định vị thế của Thủ đô.
Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều lễ hội, sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế tại các không gian văn hóa của Thủ đô như khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố Trịnh Công Sơn, phố bích họa Phùng Hưng... đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng 4 lần trong 10 năm qua không chỉ là minh chứng rõ nét cho sự hấp dẫn của Thủ đô nghìn năm văn hiến, mà còn khẳng định sự yên bình, đáng sống của “Thành phố vì hòa bình”.Để tiếp tục giữ vững và khẳng định vị thế một "Thành phố hòa bình và phát triển", Hà Nội cũng đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh, giữ được tốc độ phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định: TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động tham gia và nắm bắt cơ hội thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế; phát triển Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo - thành phố thông minh. Huy động tối đa nguồn lực, tạo bước đột phá về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung…
Bên cạnh đó, TP sẽ tập trung xây dựng Hà Nội thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước và khu vực. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tăng cường các hoạt động đối ngoại, các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch, nhất là với thủ đô các nước, các tập đoàn lớn, xuyên quốc gia...