Hà Nội: Hướng tới bình đẳng giới trong sở hữu trí tuệ
Kinhtedothi - Ngày 22/4, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trường Đại học Thủ đô tổ chức sự kiện "Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 24/6/2023: Phụ nữ với sở hữu trí tuệ thúc đẩy đổi mới và sáng tạo".
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, sự kiện là chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, nhằm đưa sở hữu trí tuệ đến gần với công chúng Thủ đô.
Đặc biệt, đây còn là hoạt động quảng bá, nâng cao nhận thức về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong việc khuyến khích sự đổi mới sáng tạo, tăng cường uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Cùng với đó, nhằm tôn vinh và khuyến khích phụ nữ tham gia vào đổi mới sáng tạo, đặc biệt vào hệ thống sở hữu trí tuệ, để hướng tới bình đẳng giới trong hoạt động sở hữu trí tuệ.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Sơn, trong những năm qua, phụ nữ Thủ đô đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong số đó, có nhiều người đã vinh dự được nhận các giải thưởng quốc tế, quốc gia danh giá như giải thưởng Tạ Quang Bửu, giải thưởng Kovalevskaya… Nhiều phụ nữ đã tích cực tham gia chủ trì, thực hiện các dự án sở hữu trí tuệ trên địa bàn Thủ đô. Từ năm 2021 đến nay, phụ nữ Thủ đô đã chủ trì 43/73 dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố.
Hà Nội đang thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố đến năm 2030 với nhiều nội dung quan trọng như: Đẩy mạnh việc bảo hộ, quản lý và phát triển các tài sản trí tuệ của thành phố; gia tăng công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế; thúc đẩy việc bảo hộ và ứng dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng mới.
Để phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ với sở hữu trí tuệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chúng ta cần tạo điều kiện xây dựng môi trường hỗ trợ cho phụ nữ phát triển tài năng và thúc đẩy sự đổi mới, tăng cường đào tạo và giáo dục cho phụ nữ. Bên cạnh đó, cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho phụ nữ.
Đánh giá cao sự kiện này, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí nhấn mạnh, sự kiện đã thể hiện sự đồng hành, chung tay của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, cùng các đơn vị góp nên tiếng nói chung về sở hữu trí tuệ. Qua đó, giúp lan toả tầm quan trọng và ý nghĩa của đổi mới sáng tạo tới cộng đồng một cách rộng rãi hơn nữa. Đây cũng chính là mục tiêu và mong muốn của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới khi chọn ngày 26/4 hằng năm là Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới - IPDAY.
Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, chủ đề IPDay năm nay được tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đưa ra là “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo”. Trước đó, chủ đề IPDay năm 2018 cũng gắn với phụ nữ. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội nói chung và trong hoạt động đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ nói riêng. Đây là cơ hội để chúng ta tôn vinh những nhà khoa học, chủ doanh nghiệp, người làm sáng tạo là phụ nữ; đồng thời khích lệ tất cả phụ nữ tích cực tham gia và đẩy mạnh hoạt động đổi mới, sáng tạo nói chung, sở hữu trí tuệ nói riêng.
Trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra tọa đàm với chủ đề: “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Toạ đàm với sự góp mặt của 5 diễn giả trong và ngoài nước cùng chia sẻ kinh nghiệm cũng như kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo của phụ nữ.
Nâng sức cạnh tranh cho du lịch Thủ đô bằng sở hữu trí tuệ
Kinhtedothi - Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các sản phẩm du lịch, giúp tạo dựng niềm tin về chất lượng dịch vụ của sản phẩm du lịch đó trong lòng khách hàng.
Lỗ hổng sở hữu trí tuệ trong công nghiệp văn hoá và sáng tạo
Kinhtedothi - Các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đang gặp phải nhiều thử thách do vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Thực tế này có thể dẫn tới sự thất bại của thị trường các ngành CNVH và sáng tạo ở nước ta nếu không sớm đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời.
Hoàng An khuyến cáo với những hành vi giả mạo sở hữu trí tuệ
Kinhtedothi - Công ty TNHH Kỹ thuật Năng lượng Hoàng An bức xúc phản hồi về việc bị vi phạm bản quyền với sản phẩm cung cấp cho ngành điện, dẫn đến những lĩnh vực này đã bị vi phạm và có thể không đảm bảo chất lượng.