Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hà Nội: Thầy trò khối 9, khối 12 thích ứng với việc thay đổi hình thức học tập

Kinhtedothi- Thời gian gần đây, học sinh Hà Nội, đặc biệt là khối 9, khối 12 đứng trước sự thay đổi liên tục về hình thức học tập; điều này đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ cho nhà trường, thầy cô, học sinh trong việc giữ ổn định chất lượng giáo dục.

Liên tục chuyển trạng thái

Từ đầu tháng 12 đến nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có 5 thông báo gửi chính quyền  địa phương và phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã cùng các nhà trường về việc điều chỉnh phương án dạy học đối với lớp 9, lớp 12 để phù hợp với cấp độ dịch từng địa bàn.

Cụ thể, ngày 6/12, Sở GD&ĐT cho phép 30 quận, huyện- những khu vực có dịch mức độ 1, 2 mở cửa đón học sinh lớp 12 đến trường theo hình thức luân phiên. Từ ngày 13/12, do thuộc khu vực có dịch ở mức độ 3, học sinh lớp 12 thuộc quận Đống Đa tạm dừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới. Tương tự, từ ngày 20/12, thêm học sinh lớp 12 quận Hai Bà Trưng chuyển hoàn toàn học trực tuyến. Từ ngày 27/12, ngoài 2 quận trên, học sinh lớp 12 thuộc 6 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ) chuyển học trực tuyến. Và từ ngày 4/1/2022, toàn TP có 10 quận, huyện cho học sinh học trực tuyến hoàn toàn; trong đó có 3 quận/huyện mới là Thanh Xuân, Thanh Trì, Gia Lâm. Bên cạnh đó, học sinh lớp 12 thuộc quận Đống Đa (nếu trường nằm ở khu vực có dịch mức độ 1, 2) được phép đi học trực tiếp theo kế hoạch.

Thời gian qua, học sinh lớp 9 và lớp 12 phải liên tục thay đổi hình thức học tập
Thời gian qua, học sinh lớp 9 và lớp 12 phải liên tục thay đổi hình thức học tập

Việc điều chỉnh hình thức học tập theo cấp độ dịch là điều đã được tính toán, dự liệu và lên kế hoạch từ trước nên nhìn chung các trường khá chủ động trong việc sắp xếp thời khóa biểu, giáo viên cũng như trang bị hạ tầng công nghệ. Công tác tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh cũng được thực hiện thường xuyên, liên tục, gắn kết nên không gây phản ứng tiêu cực bởi quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của ngành Giáo dục là sẵn sàng ứng phó trước diễn biến của dịch bệnh.

Em Phạm Quỳnh Anh, học sinh lớp 12, trường THPT Đống Đa, quận Đống Đa cho biết: “Em mong chờ mãi mới được đến trường học trực tiếp, tuy một tuần chỉ 3 buổi nhưng rất có ý nghĩa. Khi chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn, lớp em thấy vô cùng hụt hẫng nhưng cũng đành chấp nhận. Việc thay đổi hình thức học tập liên tục thời gian qua gây xáo trộn tâm lý và kế hoạch học tập của học sinh khá nhiều”.

Trong vai trò quản lý, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa) Lưu Thị Lập chia sẻ: Việc thay đổi hình thức học tập không thể nói là không gây ảnh hưởng, tác động đến học sinh, nhất là học sinh lớp 12 bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đã sắp đến. Tuy nhiên, để giảm thiểu thấp nhất ảnh hưởng, phía nhà trường luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kế hoạch đảm bảo kiến thức cốt lõi cho học sinh; không có tư tưởng học trực tiếp mới bù đắp kiến thức mà có phương án bồi đắp ngay cho các em trong giai đoạn học trực tuyến.

Vượt qua thách thức

Giáo dục là ngành chịu tổn thương nặng nề nhất do dịch bệnh Covid- 19 cả ở bề mặt, diện rộng và chiều sâu. Việc thay đổi hình thức học tập liên tục, nhất là với học sinh khối 9, khối 12 đã ảnh hưởng không nhỏ đến thầy cô, học sinh.

TS Khúc Năng Toàn- Trưởng Bộ môn Tâm lý học phát triển, Khoa Tâm lý giáo dục học- ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ: “Yếu tố điển hình trong dịch bệnh Covid- 19 hiện nay là sự bất ổn của xã hội, của con người, trong đó có sự bất ổn của học sinh. Các em không thể đoán biết điều gì sẽ xảy ra ở phía trước, vì vậy ắt nảy sinh tâm lý bất an, lo lắng về học tập, điểm số, trường lớp, bạn bè và nghề nghiệp của bản thân trong tương lai. Học sinh lớp 9 và lớp 12 sẽ đối diện với các kỳ thi quan trọng trước mắt, nỗi lo theo đó cũng nhiều lên bởi hình thức học tập trực tuyến không thể đảm bảo chất lượng bằng học trực tiếp…”.

Dịch bệnh gây nhiều thách thức cho công tác dạy và học
Dịch bệnh gây nhiều thách thức cho công tác dạy và học

Cũng theo TS Khúc Năng Toàn, ngược lại, dịch bệnh cũng mang đến cơ hội thử sức, tạo sự linh hoạt, cơ động cho mỗi học sinh để có thể thích nghi với hoàn cảnh, với sự bất định ở phía trước để từ đó biết cách nắm bắt cơ hội, tự thích nghi, tự vượt lên thử thách, vượt qua chính mình.

Sự thay đổi hình thức học tập trong dịch bệnh cũng tạo nên thách thức cho năng lực đào tạo và khả năng thích ứng của các nhà trường. Về vấn đề này, cô Vũ Thị Lan Anh, Hiệu trưởng trường THCS Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm) cho biết: “Học trực tuyến hay trực tiếp, chương trình học, thời khóa biểu vẫn được đảm bảo duy trì đúng lịch cũ. Do đó, khi chuyển trạng thái, nhà trường chỉ thông báo ngắn gọn cho phụ huynh và học sinh biết về hình thức học, thời gian thực hiện chứ không cần giải thích nhiều vì tất cả đã nắm được nguyên tắc chung. Với tinh thần chủ động, trường luôn lập kế hoạch với các phương án cụ thể nên việc chuyển hình thức học trực tuyến hay trực tiếp với học sinh lớp 9 diễn ra bình thường. Các thầy cô giáo cũng thường xuyên động viên, nhắc nhở học sinh nâng cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu; sẵn sàng tiếp nhận, giải đáp thắc mắc của học sinh khi có nhu cầu nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.

Đồng ý với quan điểm trên, TS Khúc Năng Toàn bày tỏ: Để đối diện với sự thay đổi liên tục ở hình thức tổ chức dạy và học, các nhà trường cần có phương án rõ ràng, cụ thể, thông báo kịp thời đến phụ huynh và học sinh để các bên cùng chuẩn bị tinh thần, tạo sự yên tâm và đưa ra giải pháp phù hợp.

 

“Năm 2022, dịch bệnh sẽ còn diễn biến rất phức tạp, khó lường và cũng chưa biết hồi kết khi nào. Bởi vậy, những khó khăn, thách thức đối với ngành Giáo dục chắc chắn sẽ còn nhiều và thậm chí là lớn hơn và câu chuyện tới lớp học trực tiếp, hoặc có thể học trực tuyến, hay tiến hành kết hợp các hình thức vẫn là những phương án được đặt ra…. Ngành Giáo dục cần rà soát, đánh giá những kinh nghiệm phòng chống dịch trong 2 năm qua, đánh giá những tác động tiêu cực và dự đoán trước những tác động sẽ còn lớn hơn nữa, từ đó điều chỉnh các biện pháp ứng phó trên cơ sở kinh nghiệm đã có để tiếp tục kiên trì cho mục tiêu chất lượng…”- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

 

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tồn tại nhiều sai phạm tại Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La

Tồn tại nhiều sai phạm tại Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La

11/01/2025 | 14:58

Kinhtedothi - Thanh tra tỉnh Sơn La chỉ rõ một số tồn tại, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đầu tư và nguồn kinh phí cải tạo, sửa chữa do Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La và các đơn vị trực thuộc Sở làm chủ đầu tư.

Tin tài trợ