Hà Nội tăng cường quản lý đất đai, bảo vệ môi trường
Kinhtedothi - Chiều 11/1/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông đã tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Báo cáo tại hội nghị, Phó giám đốc Sở TN&MT Lê Thanh Nam cho biết, năm 2021, nhiệm vụ Thành ủy - HĐND - UBND TP giao cho Sở tham mưu giải quyết 891 nhiệm vụ, kết quả Sở đã hoàn thành 657 nhiệm vụ, chưa hoàn thành không hạn 231 nhiệm vụ và chưa hoàn thành quá hạn 3 nhiệm vụ.
Trong đó, đối với công tác quản lý đất đai, Sở đã thẩm định, trình UBND Thành phố quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được 255 dự án, diện tích là 370,1ha; kết quả thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất được khoảng 10.880/12.800 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch; thu 11.055 tỷ đồng/20.700 tỷ đồng tiền sử dụng đất, đạt 53,4% kế hoạch; thu 7.250 tỷ đồng/5.820 tỷ đồng tiền thuê đất, đạt 124,5%.
Về công tác giao đất dịch vụ, Sở đã tổng hợp nhu cầu giao đất dịch vụ trên địa bàn TP, tính đến nay đã giao được 40.535 hộ/49.945 hộ đủ điều kiện, đạt 81,16% tương ứng với 399,67ha, còn lại 9.410 hộ (18,84%) tương ứng với 142,762 ha chưa được giao đất dịch vụ.
Đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Hà Nội năm 2021 cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, tổng số thửa đất cần đăng ký, cấp Giấy chứng nhận (GCN) lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư là 1.678.912 thửa đất, kê khai, đăng ký đất đai và cấp Giấy chứng nhận là 1.672.222 thửa/1.678.912 thửa, đạt 99,6%. Cấp GCN cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở cho 254.389 căn/368.337 căn (tại 787 dự án), đạt 69,1%. Cấp GCN cho người mua nhà tái định 14.243/15.279 căn, đạt 93,22;...
Trong công tác bảo vệ môi trường, Sở đã phối hợp cùng các đơn vị tập trung triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường nước 90 hồ nội thành và quản lý duy trì bè thủy sinh trên 66 hồ, quản lý vận hành và bảo dưỡng các máy sục khí trên 52 hồ. Triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ thuộc nội dung Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; xây dựng Đề án phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật kết hợp quy hoạch kiến trúc cảnh quan 4 con sông nội đô.
Đặc biệt, để xử lý nước thải sinh hoạt đô thị,TP đã xây dựng 6 nhà máy XLNT sinh hoạt với tổng công suất khoảng 276.300 m3/ngày đêm đáp ứng được khoảng 28,8% tổng lưu lượng nước thải phát sinh. Việc xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp được thực hiện tốt, hiện 9/9 (đạt tỷ lệ 100%) khu công nghiệp đang hoạt động đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung, có 26/43 (đạt tỷ lệ 60,5%) Cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung;…
Tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó giám đốc Sở TN&MT Lê Thanh Nam cũng đã thẳng thắn nhìn nhậnnhững mặt hạn chế còn tồn tại trong năm qua. Đó là, dự án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn TP vẫn chưa hoàn thành.
Công tác xác định, thu nghĩa vụ tài chính về đất đai còn chậm; công tác đấu giá quyền sử dụng đất đạt 85% kế hoạch; công tác giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp đạt 81,16% tương ứng với 399,67ha, còn lại 9.410 hộ (18,84%) chưa được giao đất dịch vụ; cấp GCN và đăng ký kê khai đất đai lần đầu cho cho các cơ sở tôn giáo đạt 67,39%; Cấp GCN và đăng ký kê khai đất đai lần đầu cho cho các cơ sở tín ngưỡng đạt 49,98%, kết quả chưa cao.
Dự án chậm giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư chậm hoàn thành thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng để triển khai dự án, đưa đất vào sử dụng vẫn còn tồn tại, gây lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng xử lý vi phạm về đất đai còn chưa kịp thời, dẫn đến vi phạm pháp luật về đất đai ở địa phương vẫn còn tồn tại: Việc quản lý đất công còn chưa chặt chẽ, có địa phương còn thiếu trách nhiệm đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích trái quy định, sử dụng sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên Sở TN&MT, thực hiện tốt nhiệm vụ TP giao. Năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở tiếp tục rà soát, phân loại, nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện để cấp GCN; tăng cường công tác rà soát, kiểm tra các dự án xây dựng nhà ở vi phạm quy hoạch, tổng hợp từng trường hợp cụ thể báo cáo UBND Thành phố; thực hiện phân loại, xây dựng kế hoạch, tiến độ cụ thể từng tháng, quý để cấp GCN dự án nhà ở cho các trường hợp đủ điều kiện.
Rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý sử dụng có hiệu quả quỹ đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường, trạm trại trên địa bàn. Báo cáo danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch và danh mục di dời cơ sở sản xuất công nghiệp không phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội;... Và đặc biệt, phải gấp rút hoàn thành cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn TP.
Trong công tác bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh việc cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và các thông tin về môi trường, phát triển bền vững cho người dân; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về môi trường tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các nước, các tổ chức quốc tế và cá nhân cho công tác bảo vệ môi trường.
Năm 2021, tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý đất đai
Kinhtedothi- Chiều ngày 5/2/2021, Sở Tài nguyên và Môi Trường (TN&MT) Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Hà Nội: Bước chuyển mới, nâng cao chất lượng môi trường
Kinhtedothi - Theo Sở TN&MT Hà Nội, mặc dù môi trường Hà Nội đã có sự chuyển biến tích cực, song công tác bảo vệ môi trường của Hà Nội trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế.
Báo động ô nhiễm môi trường nước
Kinhtedothi - Ô nhiễm môi trường nước đang có xu hướng gia tăng, là vấn đề đáng báo động ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Đáng nói là dường như nhiều người dân vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nước.