Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hà Nội xử lý nghiêm đơn vị vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội

Kinhtedothi - Tính đến thời điểm này, toàn TP Hà Nội có 31.428 DN chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) với số tiền nợ trên 2.000 tỷ đồng.

 Đó là thông tin đáng chú ý được nêu ra trong buổi làm việc chiều 5/10 giữa đoàn giám sát liên ngành của T.Ư với lãnh đạo UBND TP, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội và đại diện các sở, ngành liên quan về việc thực hiện pháp luật về BHXH trong các loại hình DN trên địa bàn Hà Nội.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu
Theo của UBND TP, toàn TP hiện quản lý 47.008 đơn vị tham gia BHXH với 1.314.108 người lao động (NLĐ), 46.318 đơn vị tham gia BH tự nguyện với 1.252.417 NLĐ. Nhìn chung các đơn vị, DN đã đăng ký tham gia BHYT, BHXH cho số NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc theo quy định của Luật BHXH và các văn bản liên quan. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật về BHXH của nhiều chủ sử dụng lao động chưa đầy đủ, cố tình trốn đóng, nợ đọng BHXH; không ít DN còn nợ tiền lương của NLĐ, thậm chí một bộ phận NLĐ do hiểu biết hạn chế về BHXH nên bị chủ sử dụng lao động lôi kéo để đồng tình trong việc trốn đóng BHXH.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính-Trưởng đoàn giám sát liên ngành nhận định: Trong các địa phương, Hà Nội đạt kết quả khá cao về việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình DN. TP đã có nhiều giải pháp quyết liệt tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật cho NLĐ, đặc biệt đã thành lập tổ liên ngành chuyên trách thu nợ BHXH…

Mặc dù vậy, theo ông Chính, nợ BHXH của Hà Nội đến nay còn khá lớn, với tổng dư nợ trên 2.000 tỷ đồng, gần bằng 1/7 của cả nước. Đáng chú ý, điểm yếu lớn tại Hà Nội là cơ quan quản lý Nhà nước không nắm được cụ thể về tổng số DN đi vào hoạt động, với tổng số NLĐ thuộc diện tham gia BHXH là bao nhiêu. Sự phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị đạt hiệu quả chưa cao. Những hạn chế thể hiện rõ nhất trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước, nhất là các hộ cá thể, hộ gia đình. Ngoài ra, công tác kiểm tra, thanh tra hàng năm về việc thực thi pháp luật BHXH còn đạt tỷ lệ thấp so với tổng số DN.

“UBND TP và các sở, ngành liên quan cần chủ động tham mưu cho Thành ủy có văn bản chỉ đạo quyết liệt để làm sao tăng được tỷ lệ phát triển đối tượng, số DN và số NLĐ thuộc diện đóng BH bắt buộc, để đạt yêu cầu của Bộ Chính trị là tới năm 2020 đạt 50% tỷ lệ NLĐ đóng BH bắt buộc. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc thanh tra, kiểm tra giám sát, phối hợp trong việc khởi kiện… liên quan đến công tác này”, ông Chính nhấn mạnh.

Lắng nghe các ý kiến của đoàn giám sát liên ngành, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý khẳng định thời gian tới, TP sẽ tập trung tổ chức hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt các quy định của Luật BHXH năm 2014 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT đến các tầng lớp Nhân dân, đơn vị sử dụng lao động và NLĐ trên địa bàn; tạo sự đồng thuận xã hội trong thực thi Luật. Đồng thời, TP cũng đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; đẩy mạnh kiểm soát các thủ tục hành chính (TTHC), rà soát kiến nghị bãi bỏ những TTHC không thực sự cần thiết và các nội dung không phù hợp trong từng quy trình, nhằm cắt giảm thời gian thực hiện các TTHC liên quan đến công tác BHXH. Bên cạnh đó, TP sẽ chủ động tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BH tại các đơn vị sử dụng lao động; triển khai nhiều biện pháp quyết liệt hơn để đôn đốc, thu hồi nợ, xử lý những đơn vị vi phạm phát luật về BHXH, nợ đọng kéo dài…

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ