Hà Tĩnh: Tăng cường kiểm soát thị trường dịp cuối năm
Kinhtedothi - Dự kiến dịp cuối năm và tết Nguyên đán Qúy Mão nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng cao. Trước tình hình đó, các cơ quan, đơn vị ở tỉnh Hà Tĩnh đang tăng cường kiểm soát thị trường, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Thời điểm này các siêu thị, trung tâm thương mại, hộ sản xuất, kinh doanh ở tỉnh Hà Tĩnh đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm và tết Nguyên đán Qúy Mão. Các mặt hàng chủ lực như: bia rượu, nước giải khát, bánh kẹo, lương thực, thực phẩm…khá phong phú, đa dạng.
“Hiện nay, Siêu thị Co.op Mart đã chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết khoảng 80 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh chuẩn bị sẵn hệ thống kho bãi dự trữ hàng, chúng tôi sẽ tăng thêm nhân viên, quầy thanh toán để tạo thuận lợi cho khách hàng trong đợt mua sắm cao điểm”, bà Phạm Thị Hiệp Định - Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Tĩnh cho biết.
Dịp cuối năm và trước tết Nguyên đán được cho là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm. Vì vậy, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ ở TP Hà Tĩnh và các huyện, thị xã trên địa bàn những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trước, trong và sau tết Nguyên đán đã bắt đầu được nhập về với số lượng lớn.
Các doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng cũng đã khởi động nguồn cung để cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ. Đây là yếu tố quan trọng trong chuỗi cung cầu của thị trường, bình ổn hàng hóa, không để xảy ra khan hiếm hàng, đầu cơ tăng giá vào dịp tết.
Thị trường hàng hóa sôi động, cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…có thể trà trộn, đánh lừa người tiêu dùng. Vì vậy, công tác quản lý thị trường đang được các cơ quan, đơn vị, các lực lượng chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh chú trọng.
“Lực lượng quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức ký cam kết với các nhà phân phối, cơ sở kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh cho biết.
Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa cho biết, ngành công thương và các địa phương, đơn vị đang tập trung nhiều biện pháp nhằm bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Chỉ đạo các doanh nghiệp, các đơn vị phân phổi đảm bảo nguồn hàng, dự trữ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa trên thị trường.
“Dịp này, dự kiến mức dự trữ hàng hóa ở Hà Tĩnh tăng khoảng 25 - 30% so với các tháng trong năm, một số mặt hàng phục vụ tết như bánh kẹo, rượu, hoa quả, mặt hàng thiết yếu tăng 30 - 40%. Cùng với chủ động nguồn hàng, vấn đề quan trọng là không để hàng hóa tăng đột biến, thường xuyên giám sát, đôn đốc, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các cơ sở kinh doanh”, ông Võ Tá Nghĩa thông tin.
Hà Tĩnh: Ngư dân thu về hàng trăm tỷ đồng từ vụ cá Bắc
Kinhtedothi - Mặc dù thời tiết diễn biến thất thường, song nhờ chủ động vươn khơi bám biển, ngư dân Hà Tĩnh đã thu về hàng trăm tỷ đồng từ vụ cá Bắc.
Hà Tĩnh: Làng hoa đào Cổ Đạm tất bật vào vụ Tết
Kinhtedothi - Thời gian này người dân xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang tất bật chăm sóc cây hoa đào, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Qúy Mão.
Hà Tĩnh: Thực hiện nhiều giải pháp bình ổn thị trường xăng dầu
Kinhtedothi - Gần đây một số cửa hàng xăng dầu ở tỉnh Hà Tĩnh đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Trước tình hình đó địa phương này đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, bình ổn thị trường xăng dầu.