Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hàng chục di tích cổ tại huyện Đông Anh đang chờ tu bổ, tôn tạo

Kinhtedothi - “Do kinh phí hạn hẹp, ngân sách dành cho tu bổ di tích rất ít nên chưa có nhiều di tích được tu bổ theo quy mô lớn, chủ yếu mới sửa chữa nhỏ” - đó là chia sẻ của đại diện UBND huyện Đông Anh trong buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội sáng 18/8 về công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn.

25 di tích hàng trăm năm tuổi đã xuống cấp nghiêm trọng

Phó Trưởng Phòng VHTT huyện Nguyễn Thị Hạnh cho biết: Theo thống kê năm 2016 của UBND TP, huyện có 319 di tích, trong đó 132 di tích đã được xếp hạng (trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt), còn lại chưa được xếp hạng.

Đáng chú ý trong đó, 25 di tích đình, chùa có tuổi đời hàng trăm năm, có giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, đều đã được xếp hạng quốc gia và TP, đã xuống cấp trầm trọng nhưng chưa có kinh phí tu bổ.
 Việc thi công tu bổ hạng mục nhà Tam Bảo (chùa Chài, xã Võng La) đang chậm trễ do vướng nhiều thủ tục.
Địa phương chỉ có các biện pháp chống đỡ cho di tích không bị sập đổ, bởi nhiều di tích nếu tu bổ thì cần kinh phí quá lớn, mà xã, huyện không thể đáp ứng được. Trong khi đó, số di tích được tu bổ bằng nguồn vốn của bộ, TP và huyện không nhiều, nên nhu cầu tu bổ của các di tích cổ là quá lớn.

Do nguồn kinh phí hạn hẹp, ngân sách dành rất ít cho việc tu bổ di tích, chủ yếu từ nguồn đấu giá đất kẹt của địa phương và vận động xã hội hóa (XHH), nên rất ít di tích được tu bổ có quy mô lớn, chủ yếu mới là sửa chữa nhỏ. Theo thống kê từ năm 2006-2016, toàn huyện có 230 lượt di tích được tu bổ lớn, nhỏ với tổng kinh phí 262 tỷ 951 triệu đồng, trong đó, 121,6 tỷ từ ngân sách, còn lại từ XHH.

Gỡ vướng về kinh phí, thủ tục

Ngoài khó khăn lớn là đầu tư kinh phí tu bổ quá ít so với nhu cầu thực tiễn, kinh phí huy động trong Nhân dân không được nhiều, trên thực tế, Đông Anh còn đang gặp nhiều vướng mắc do quá trình xin phép tu bổ di tích có quá nhiều thủ tục, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Theo đại diện BQL dự án huyện, với nhiều di tích cấp quốc gia, muốn tu tạo phải qua rất nhiều vòng, các bước thiết kế, thẩm định, xin ý kiến về vốn..., có khi phải xin phép lên tận cấp bộ, thì trung bình mất nửa năm đến cả năm, mới có được thỏa thuận đầu tư.

Cùng nhận định thủ tục xin phép tu bổ di tích quá rườm rà, Đại đức Thích Chiếu Tuệ (Trưởng Ban Hoằng pháp-Giáo hội Phật giáo Hà Nội) cũng cho rằng, rất nhiều quận, huyện đang kêu ca về chuyện này, nên từ Bộ VHTT đến các sở ngành liên quan cần sớm xem xét giải quyết. Nếu không sớm xong thủ tục, rất nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng không biết khi nào mới được đầu tư tôn tạo.

Thực tế tại Đông Anh cũng cho thấy, việc tu bổ di tích tại chùa có sư trụ trì còn nhiều bất cập, nhiều sư huy động nguồn công đức tự ý tu bổ mà không xin phép, dẫn đến chắp vá, làm mất yếu tố gốc của di tích, hoặc đưa công trình lợp mái tôn vào khu di tích.

Ngoài ra, chưa có chế độ đãi ngộ cho người trông nom trụ trì di tích, người quản lý thiếu nghiệp vụ, cán bộ cấp xã thì phải kiêm nhiều việc, ít có chuyên ngành quản lý di tích...

“Toàn bộ xã, thôn có di tích đã thành lập BQL di tích, nhưng nhiều người trông nom chùa chỉ được hỗ trợ 100.000 đồng/tháng, thậm chí một số nơi không bố trí được kinh phí thì các cụ già trong làng thay nhau trông coi”, bà Hạnh cho biết thêm.

Trong điều kiện như vậy, cùng với giải pháp của huyện và các xã đẩy mạnh quản lý nhà nước, trách nhiệm của chính quyền và của đơn vị trực tiếp quản lý di tích, lãnh đạo UBND huyện cũng đề nghị TP đưa các di tích lớn có giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật vào chương trình đầu tư tu bổ.

Đồng thời, các sở, ngành liên quan đến thẩm định, cấp phép thủ tục tu bổ tôn tạo di tích cần tạo điều kiện, đúng thời gian để các di tích được tu bổ đúng tiến độ.

Riêng với di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, huyện đề xuất Quốc hội, Chính phủ đẩy nhanh các dự án thành phần, nhất là quy hoạch 1/500 khu vực vùng lõi Cổ Loa, mà trước mắt là cắm mốc giới khoanh vùng bảo vệ di tích.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ