Năm 2023, thị trường du lịch Việt Nam được đánh giá khởi sắc ấn tượng sau dịch Covid-19. Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của ngành hàng không cho con số tăng trưởng của ngành du lịch?
Năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt 12,6 triệu lượt người, gấp gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách, trong tổng số 12,6 triệu lượt khách quốc tế, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 11 triệu lượt người, chiếm 86,9% số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 3,3 lần năm trước. Với thị trường nội địa, ngành du lịch đón 108 triệu lượt khách, trong đó ngành hàng không vận chuyển gần 74 triệu hành khách, tăng 34,5% so năm 2022.
Thực tế cho thấy để làm được điều này, trong năm 2023 ngành hàng không đã duy trì mạng đường bay nội địa và phát triển với 66 đường bay nội địa kết nối những trung tâm du lịch Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương khác với hơn 600 chuyến bay mỗi ngày.
Không chỉ duy trì đường bay sẵn có, mà trong năm 2023 còn là năm mà ngành hàng không có sự chuyển biến trong việc khai thác các đường bay mới. Ông có thể chia sẻ một số thông tin để có sự đánh giá rõ ràng hơn của ngành hàng không với thu hút khách du lịch?
Ngoài ra trong năm 2023, các hãng hàng không Việt Nam cũng khai thác một số đường bay mới như: Cần Thơ - Vân Đồn, Hà Nội - Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh - Điện Biên. Mạng đường bay quốc tế truyền thống như Trung Quốc, Nga đã được phục hồi, đồng thời mở rộng khai thác một số thị trường mới ở khu vực Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Mông Cổ. Đẩy mạnh hoạt động khai thác các đường bay đến thị trường Ấn Độ, Oxtralia.
Top 10 thị trường khách quốc tế tới Việt Nam năm 2023 thay đổi so với trước dịch Covid-19. Năm 2019, Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam, sau đó mới đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan; Nga, Anh, Pháp cũng là những nước có số lượt khách đến Việt Nam nằm trong top cao. Tuy nhiên, 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam hiện nay gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Oxtralia, Ấn Độ. Như vậy việc khai thác đường bay mới của hàng không đã tác động rõ rệt đến thu hút khách du lịch.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói riêng và khách du lịch nội địa bằng đường hàng không luôn chiếm tỉ lệ cao nhất so với đường bộ, đường biển. Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT sửa đổi bổ sung về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, từ ngày 1/3/2024, giá trần vé máy bay tăng thêm 50.000-250.000 đồng, vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc xây dựng các tour du lịch thưa ông?
Trong năm 2024, nếu tình hình kinh tế, du lịch… tiến triển tích cực, việc giá vé máy bay tăng sẽ ít tác động. Ngược lại, nếu tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, ngành du lịch sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ. Việc điều chỉnh tăng trần vé máy bay có thể sẽ là “đòn chí mạng” đối với du lịch nội địa. Cụ thể sau ngày 1/3/2024, trung bình giá vé máy bay tháng 6/2024 có thể tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Ví dụ, chặng Hà Nội - Phú Quốc tăng từ 1,3 triệu đồng lên 2,2 triệu đồng; Hà Nội - Nha Trang tăng từ 1,1 triệu đồng lên 1,7 triệu đồng.
Việc giá vé tăng sẽ là một trong những nguyên nhân khiến nhiều điểm du lịch vắng khách, bởi khách du lịch thuộc nhóm đối tượng "nhạy cảm về giá". Điều này thể hiện rõ qua tình trạng "khan khách" của du lịch Phú Quốc và nhiều điểm đến nội địa trong suốt năm 2023 do giá vé máy bay tăng.
Kịch bản này có thể tái diễn trong năm 2024 khi giá vé máy bay tăng theo quy định mới. Nếu người dân vì giá vé máy bay cao quyết định giảm đi du lịch, thì các điểm đến sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên, không riêng công ty lữ hành.
Ảnh hưởng cụ thể của giá vé máy bay tăng cao với ngành du lịch sẽ là như thế nào, thưa ông?
Hiện giá vé máy bay chiếm 40 - 60% cơ cấu giá tour du lịch, vì vậy việc giá vé máy bay tăng cao buộc các công ty lữ hành phải điều chỉnh tăng giá tour nội địa 10 - 20% làm giảm sức hút của thị trường, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt trong việc thu hút khách quốc tế.
Bên cạnh đó, vé máy bay tăng giá nên du khách có xu hướng du lịch tự túc bằng ô tô, không đăng ký mua tour khiến doanh nghiệp lữ hành thất thu. Giá vé máy bay tăng cao như vậy đã làm doanh nghiệp lữ hành trong nước gặp khó trong việc thu hút khách mặc dù đã tổ chức nhiều chương trình kích cầu.
Việc ngành hàng không tăng giá vé là nguyên nhân khiến lượng khách nội địa sụt giảm bởi nhiều người đã quyết định chọn đi nước ngoài vì giá rẻ hơn tour trong nước. Chẳng hạn tour du lịch khởi hành từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc 5 ngày 4 đêm vào ngày 20/1/2024 có giá 10,49 triệu đồng/người; hoặc 6 ngày 5 đêm có giá từ 11-15 triệu đồng/người. Trong khi, đi du lịch Thái Lan có giá khuyến mãi trọn gói 5 ngày 4 đêm, nghỉ khách sạn 4 sao chỉ 5-6 triệu đồng/người.
Ngoài ra việc giá vé máy bay tăng cao sẽ gây ảnh hưởng đến việc định vị lại thị trường du lịch trong giai đoạn phục hồi hiện nay. Giá vé máy bay không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp du lịch mà nhiều khu nghỉ dưỡng cũng rơi vào tình trạng vắng khách do ảnh hưởng giá vé máy bay nên đa số người dân có xu hướng chọn những cơ sở lưu trú bình dân để tiết kiệm chi phí. Như vậy có thể nói việc tăng giá vé máy bay sẽ gây tác động lớn đến các hãng lữ hành, từ đó ảnh hưởng nhiều việc kích cầu du lịch nội địa. Chưa kể, khách quốc tế cũng sẽ so sánh giá tour Việt Nam với các nước trong khu vực và có thể họ sẽ không chọn du lịch Việt Nam.
Để ngành du lịch thu hút khách đòi hỏi phải xây dựng hợp tác giữa hàng không với du lịch vậy theo ông nên xây dựng phương án hợp tác như thế nào?
Đại dịch Covid-19 khiến khả năng chi trả của du khách bị ảnh hưởng khá lớn, nên việc kích cầu bằng các chính sách khuyến mãi của hàng không là yếu tố quan trọng. Với bối cảnh kinh tế hiện nay, vé máy bay tăng giá ở cả các tuyến trong nước và quốc tế, là một bất lợi lớn trong việc cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực Đông Nam Á.
Để khắc phục điều này, đòi hỏi hàng không liên kết với doanh nghiệp lữ hành cũng bỏ kinh phí giảm giá dịch vụ, qua đó không tăng giá tour, từ đó hỗ trợ ngành hàng không không phải giảm giá vé quá nhiều. Đối với các đường bay không có chuyến bay thương mại, ngành hàng không khích lệ các doanh nghiệp lữ hành mở các chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến) với chính sách ưu đãi, từ đó đa dạng sản phẩm, thêm lựa chọn mới lạ hơn cho du khách. Việc làm này sẽ khiến các bên cùng có lợi.
Ngoài ra các hãng hàng không nên mở thêm đường bay mới, giúp du khách có thêm lựa chọn về sản phẩm mới, tiết kiệm thời gian đi lại. Ở chiều ngược lại doanh nghiệp du lịch xây dựng sản phẩm mới theo đường bay mới từ đó trở thành đơn vị lữ hành chiến lược của ngành hàng không.
Ngành hàng không và du lịch nên tính chuyện làm ăn lâu dài với nhau từ đó tránh tình trạng tăng giá vận chuyển dịp cao điểm. Để làm được điều này cần có sự tham gia của Chính phủ với tư cách điều phối giá vé làm sao không quá thấp so với giá sàn. Thực tế cho thấy du lịch Thái Lan nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ “nhạc trưởng” là Tổng cục Du lịch làm đầu mối liên kết giữa hàng không với du lịch giúp giảm giá vé máy bay và tour. Họ thu lại từ việc chi tiêu của du khách khi đến Thái Lan du lịch. Cách làm này ngành du lịch Việt Nam cũng nên học hỏi.
Với tư cách là chuyên gia trong ngành du lịch, theo ông nhà nước có nên xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho ngành hàng không giảm giá vận chuyển?
Thực tế cho thấy để kích cầu du lịch tháng 4/2023, Chính phủ Thái Lan xem xét chính sách trợ cấp cho các hãng hàng không khai thác các chuyến bay đến các điểm đến ít phổ biến. Malaysia đã kêu gọi các hãng hàng không trong nước điều chỉnh hoặc giảm giá vé máy bay cho mùa lễ hội sắp tới để giúp du lịch Malaysia hút khách.
Tuy nhiên ở Việt Nam, Chính phủ không thể chi một khoản tiền khá lớn như vậy cho ngành hàng không để giảm giá vé trong những thời điểm nhất định vì sẽ tạo ra sự không công bằng giữa ngành hàng không và du lịch. Theo tôi Nhà nước kéo dài thời gian áp dụng giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024 và mở rộng các nhóm hàng hóa được giảm qua đó kích thích sản xuất, kinh tế tăng trưởng sẽ kéo theo các mặt hàng dịch vụ trong đó có hàng không, du lịch sẽ tăng trưởng, phát triển theo.
Xin cảm ơn ông!