Hàng nghìn học sinh “trường làng” chọn môn âm nhạc nhờ thầy hiệu phó tâm huyết
Kinhtedothi- Tại chung khảo Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo 2024, thành viên hội đồng và các thầy cô bày tỏ khâm phục trước ý tưởng dạy học âm nhạc cấp THPT trong bối cảnh thiếu giáo viên của thầy Nguyễn Khắc Lý - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan (Thạch Thất).
Thầy hiệu phó gây ấn tượng với biệt tài chơi nhạc cụ
Trong hội trường xét duyệt Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm 2024, giữa không gian tĩnh lặng, tiếng sáo Mèo da diết của nhà giáo Nguyễn Khắc Lý, Trường THPT Phùng Khắc Khoan (Thạch Thất) qua giai điệu “Xuân về trên bản Mèo” khiến Hội đồng xét duyệt và các thầy cô giáo có mặt thật sự ấn tượng. Một thầy giáo với chuyên môn về Hoá học, là Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn lại có khả năng chơi nhạc cụ điêu luyện, quả thật rất hiếm có.
Tiếp đến, tại lễ tổng kết, trao thưởng giải thưởng trên, một lần nữa những giai điệu âm nhạc tha thiết của bài "Người Thầy" được nhà giáo Nguyễn Khắc Lý biểu diễn qua nhạc cụ sáo trúc lại vang lên. Trước thềm kỷ niệm 42 Ngày Nhà giáo Việt Nam, phần trình diễn của thầy Khắc Lý đã chạm đến trái tim của mỗi đại biểu, thầy cô và học sinh.
Tại Trường THPT Phùng Khắc Khoan (Thạch Thất), âm nhạc đã trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình giảng dạy ngay từ năm đầu tiên áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT). Sự thay đổi này có được nhờ sự tiên phong, tâm huyết của thầy Nguyễn Khắc Lý- Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của nhà trường.
Theo thầy Khắc Lý, âm nhạc có vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển toàn diện cho học sinh THPT; giúp các em giải tỏa căng thẳng, cân bằng cảm xúc và thể hiện bản thân; đồng thời trở thành cầu nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, để học sinh có điều kiện phát triển toàn diện trên con đường học tập và trưởng thành.
![](https://resource.kinhtedothi.vn/2024/11/19/thay-2.jpg)
Đứng trước những khó khăn và thách thức trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 với nhiều điểm mới và khó, đặc biệt là việc triển khai dạy học môn âm nhạc - môn học lựa chọn trong bối cảnh chưa có biên chế và thiếu giáo viên trầm trọng là thách thức rất lớn cho các nhà trường. Qua khảo sát, Hà Nội chỉ có khoảng 30 trường THPT ngoài công lập triển khai môn âm nhạc nhưng chủ yếu là dạy ca hát, không dạy nhạc cụ, nhất là nhạc cụ dân tộc.
Từ thực tế đó, thầy Khắc Lý chủ động tham gia khóa học online để có trải nghiệm và kinh nghiệm trực tiếp, làm cơ sở chỉ đạo hoạt động chuyên môn với yêu cầu đào tạo phải hiệu quả, chất lượng, kinh phí thấp. Tiếp đến, thầy tổ chức triển khai dạy - học âm nhạc qua hình thức online. Đây là giải pháp có thể tháo gỡ khó khăn cho tình trạng thiếu giáo viên âm nhạc của giáo dục Hà Nội cũng như trên toàn quốc.
Nhờ những nỗ lực của thầy Khắc Lý, môn âm nhạc đã đến được với học sinh. Các em được thực hành với nhạc cụ là đàn guitar và sáo trúc. Điều này giúp học sinh tiếp cận âm nhạc một cách sâu sắc hơn, đồng thời phát triển kỹ năng biểu diễn, sự tự tin và hiểu biết văn hóa. Thực hành với nhạc cụ còn rèn luyện cho các em tính kiên nhẫn, kỷ luật, khả năng tập trung và giảm bớt việc sử dụng mạng xã hội. Sau năm học đầu tiên, nhiều học sinh đã tự tin biểu diễn trước đám đông, góp phần phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần trong nhà trường.
Đến nay, có hàng nghìn học sinh của Trường THPT Phùng Khắc Khoan chọn âm nhạc trong các môn lựa chọn; riêng khối 10 có 5 lớp. Sau khi học lý thuyết, các em được thực hành trên nhạc cụ nên chơi được bản nhạc rất nhanh. Đến Trường THPT Phùng Khắc Khoan, nhiều người sẽ thấy ngạc nhiên vì một trường ở ngoại thành Hà Nội nhưng từ hiệu trưởng, hiệu phó đến bảo vệ, học sinh đều biết chơi nhạc cụ.
Người thầy giàu đam mê và tận tuỵ
Với sự tâm huyết và sáng tạo của thầy Nguyễn Khắc Lý, năm học 2023 – 2024, Trường THPT Phùng Khắc Khoan (Thạch Thất) là một trong 2 điểm cầu tổ chức chương trình hội thảo giảng dạy bộ môn âm nhạc trên toàn TP Hà Nội. Buổi hội thảo đã được các chuyên gia, cán bộ phụ trách chuyên môn đánh giá cao và có những ý kiến đề xuất tổ chức hội thảo bộ môn cấp Bộ để lan tỏa đến cả nước. Giải pháp đối với môn âm nhạc của thầy Nguyễn Khắc Lý được công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng cấp thành phố, đợt 1 năm 2024.
![](https://resource.kinhtedothi.vn/2024/11/19/thay.jpg)
Không chỉ đối với bộ môn âm nhạc, thầy Nguyễn Khắc Lý còn có nhiều sáng kiến trong công tác chỉ đạo về chuyên môn; giúp ngôi trường vùng quê là Trường THPT Phùng Khắc Khoan có giải học sinh giỏi cấp quốc gia môn Vật lý, Ngữ văn; 1 giải cấp quốc gia tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2024 và nhiều giải cao của TP.…
Theo các đồng nghiệp tại Trường THPT Phùng Khắc Khoan, nơi thầy Khắc Lý có gần 20 năm công tác, Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến bền bỉ, tận tâm của thầy đối với sự nghiệp giáo dục và phát triển học sinh. Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn luôn khơi dậy niềm đam mê học hỏi, sáng tạo trong mỗi học sinh. Sự tận của thầy góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo dựng môi trường học tập lành mạnh, đầy cảm hứng; khuyến khích các thầy cô giáo trong trường không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy.
![](https://resource.kinhtedothi.vn/2024/11/19/pbieu.jpg)
“Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo là phần thưởng vô cùng ý nghĩa với bản thân tôi. Tôi sẽ luôn trân trọng, coi đây là động lực để cố gắng, phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nhà trường và của Thủ đô. Tôi mong muốn được lan tỏa đến các đồng nghiệp, được truyền cảm hứng đến các em học sinh như một tấm gương về sự nỗ lực học tập, rèn luyện”, thầy Nguyễn Khắc Lý xúc động chia sẻ.
![70 giáo viên vào chung khảo Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo](https://resource.kinhtedothi.vn//2024/10/16/tam-huyet.jpg)
70 giáo viên vào chung khảo Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo
Kinhtedothi– Trong 4 ngày 16,17,22,23/10, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức vòng chung khảo xét duyệt Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 8 năm 2024 với sự tham gia của 70 nhà giáo tiêu biểu đến từ các cấp học trên địa bàn TP.
![Hiệu trưởng Hà Nội chia sẻ hành trình đưa tranh biện thành môn học chính thức](https://resource.kinhtedothi.vn//2024/11/07/cm.jpg)
Hiệu trưởng Hà Nội chia sẻ hành trình đưa tranh biện thành môn học chính thức
Kinhtedothi– Tại chung khảo Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm 2024, Hội đồng giám khảo ấn tượng và đánh giá cao ý tưởng về việc đưa tranh biện trở thành một môn học chính thức với học sinh toàn trường của nhà giáo, Ths Hoàng Thị Mận - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Newton.
![Tôn vinh 196 nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo 2024](https://resource.kinhtedothi.vn//2024/11/14/thuyet.jpg)
Tôn vinh 196 nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo 2024
Kinhtedothi – Ngày 14/11, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức trao giải thưởng nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2024 cho 196 nhà giáo tiêu biểu. Đây là những nhà giáo có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” tại các nhà trường.