Hổ, tê giác và voi sẽ biến mất trong 10 năm tới?
Kinhtedothi - Đây là thông tin được đưa ra trong buổi công bố Dự án Bảo tồn các Loài quý hiếm do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ.
Tội phạm toàn cầu về các loài hoang dã tiếp tục gia tăng nhanh chóng và hiện đã đến mức khủng hoảng. Hoạt động săn bắt và buôn bán bất hợp pháp động vật biển và động vật sống trên cạn có giá trị ước tính 20 tỷ USD mỗi năm.
Với tốc độ hiện tại, các chuyên gia dự đoán rằng những loài nguy cấp mang tính biểu tượng nhất của thế giới, trong đó có tê giác, voi và hổ sẽ biến mất khỏi hành tinh trong vòng một thập kỷ tới. Buôn lậu các loài hoang dã là hoạt động tội phạm xuyên quốc gia đem lại hàng tỷ USD doanh thu bất hợp pháp mỗi năm, đe dọa an ninh quốc gia, làm phương hại đến nền pháp quyền và tạo điều kiện lây lan các bệnh truyền nhiễm.
Dự án Bảo tồn các Loài quý hiếm của USAID được thực hiện trong 5 năm sẽ giúp giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm trái phép từ các loài hoang dã, nâng cao năng lực thi hành pháp luật và xét xử tội phạm về các loài hoang dã, đồng thời kiện toàn và thống nhất khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống tội phạm về các loài hoang dã ở Việt Nam.
“Việt Nam là quốc gia ưu tiên của Chính phủ Mỹ trong Tuyên bố Hành pháp của Tổng thống và Chiến lược Quốc gia Hoa Kỳ về Chống Buôn lậu các Loài hoang dã, vì vậy chúng tôi vui mừng hợp tác với Chính phủ Việt Nam, các nhóm bảo tồn trong nước và các cộng đồng địa phương để tạo nên chuyển biến thực sự trong công tác bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng và các loài đặc hữu trong nước,” Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết.
Dự án Bảo tồn các Loài quý hiếm trị giá 10 triệu USD của USAID là một phần trong cam kết lớn hơn của Chính phủ Mỹ về chống buôn lậu các loài hoang dã, trong đó bao gồm dự án khu vực do USAID tài trợ là Dự án Bảo tồn các Loài hoang dã châu Á, được Tổng thống Obama công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Lào vào tháng 9/2016.