Israel hợp pháp hóa khu định cư, quốc tế bất bình
Kinhtedothi - Quốc hội Israel đã thông qua một dự luật nhằm hợp pháp hóa hàng chục khu định cư ở Bờ Tây sau khi thông báo với Mỹ về vấn đề này.
Trong một phiên họp, Quốc hội Israel đã thông qua dự luật gây tranh cãi nhằm mở đường cho nước này thừa nhận khoảng 4.000 ngôi nhà định cư được xây dựng bất hợp pháp trên vùng đất của người Palestine.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. |
Sau một ngày cân nhắc về việc liệu có nên tiến hành bỏ phiếu hay không, dự luật này đã được thông qua với 60 phiếu thuận và 52 phiếu chống. Tất cả các thành viên quốc hội thuộc đảng đối lập bỏ phiếu chống lại dự luật này. Phát biểu thay mặt chính phủ nhằm bảo vệ dự luật này trước khi bỏ phiếu, Bộ trưởng Khoa học Ofir Akunis thuộc đảng Likud cầm quyền cho biết, việc bỏ phiếu không chỉ đối với dự luật cụ thể này, mà còn về quyền được sống của người Do Thái tại đất nước Israel.
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông muốn phối hợp với Washington, do đó làm dấy lên suy đoán việc thông qua dự luật này sẽ tiếp tục bị hoãn lại. Bất chấp sự lên án từ quốc tế, song tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lập trường về các khu định cư của Israel mềm mỏng hơn người tiền nhiệm Barack Obama.
Tuy nhiên, ngày 6/2, ông Netanyahu tuyên bố với các phóng viên đi cùng tới London rằng việc bỏ phiếu thông qua dự luật trên sẽ được tiến hành sau khi ông cập nhật thông tin cho chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hồi tuần trước, Thủ tướng Israel cam kết thông qua dự luật này, nhưng sau đó phải hoãn lại vì lý do kỹ thuật.
Động thái trên của chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nhận nhiều sự chỉ trích. Trong đó, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cho rằng, đạo luật của Israel hợp pháp hóa hàng nghìn nhà định cư Do Thái xây dựng trên phần đất của người Palestine ở Bờ Tây là “sự hợp pháp hóa vi phạm” đối với đất đai của Palestine. Đồng thời nhấn mạnh, rằng “hoạt động xây nhà định cư của Israel phương hại tới hòa bình và triển vọng đạt giải pháp hai nhà nước”.
Giới chức Palestine đã lập thức lên án dự luật gây tranh cãi này. “Đây là sự leo thang và sẽ chỉ đem lại thêm bất ổn và hỗn loạn”, phát ngôn viên Nabil Abu Rudeineh của nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas cho biết. Ông nói thêm: “Dự luật không thể chấp nhận được. Nó đáng bị lên án và cộng đồng quốc tế cần hành động ngay lập tức”.
Đặc phái viên Liên Hợp quốc về Trung Đông Nickolay Mladenov, kêu gọi các nghị sĩ Israel bỏ phiếu chống dự luật và nói rằng nó sẽ “làm giảm đáng kể triển vọng hòa bình Ả Rập - Israel”.