Kế hoạch đầu tư công cần ưu tiên hàng dọc nhằm tối ưu hoá hiệu quả
Kinhtedothi - Do trong năm 2016 nguồn vốn đã bố trí 16.009 tỷ đồng vì vậy trong 4 năm 2017 - 2020 số kinh phí còn là 64.382 tỷ đồng.
Sáng nay (6/12), tại Kỳ họp thứ ba HĐND TP Hà Nội khóa XV, HĐND TP đã họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của TP Hà Nội. Với 82,6% đại biểu tán thành, HĐND TP đã thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong 5 năm tới.
Theo ông Nguyễn Văn Tứ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng số vốn chi cho đầu tư phát triển của TP là 133.273 tỷ đồng. Số vốn này được phân bổ: Vốn phân cấp cho các quận, huyện, thị xã là 28.293 tỷ đồng và Vốn đầu tư phát triển do TP trực tiếp quản lý là 104.980 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chi cho 956 dự án đầu tư công là 82.819 tỷ đồng.
Toàn cảnh cuộc họp |
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, ông Nguyễn Văn Tứ cho biết cấp TP sẽ có tổng nguồn vốn là 90.910 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư công của Hà Nội là 249.315 tỷ đồng. Như vậy, phương án tỷ lệ điều tiết ngân sách 35% thì nguồn vốn đầu tư công mới đáp ứng được 36,4% nhu cầu vốn đầu tư công cấp TP.
Mặt khác TP cũng đã ưu tiên bố trí thu hồi khoản ứng trước vốn ngân sách TƯ, vốn thanh quyết toán công trình hoàn thành và khoản dự phòng bắt buộc tổng cộng là 10.519 tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn đầu tư 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 còn lại là 80.391 tỷ đồng, năm 2016 đã bố trí 16.009 tỷ đồng, dự kiến 4 năm 2017 - 2020 là 64.382 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ |
Trong đó, ngồn vốn đầu tư công và các dự án cấp TP được cân đối, phân bổ cho các khối/lĩnh vực: Khối Hạ tầng đô thị là 21.961 tỷ đồng; Các dự án sử dụng vốn ODA là 13.577 tỷ đồng; Khối văn hoá xã hội là 7.587 tỷ đồng; Lĩnh vực công nghệ - thương mại - dịch vụ là 1.522 tỷ đồng; Lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn là 11.642 tỷ đồng; Lĩnh vực KHCN - CNTT - TT là 916 tỷ đồng; Lĩnh vực An ninh - quốc phòng - tư pháp - nội chính là 6.472 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tứ cho biết thêm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 sẽ tập trung thực hiện 6 mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ. Đầu tiên là phát triển đồng bộ, hiện đại hoá từng bước phá triển kết cấu hạ tầng với ngân sách được bố trí là 45.033 tỷ đồng. Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và lòng ghép Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc miền núi được bố trí 5.430 tỷ đồng.
Với việc thực hiện các nhóm chỉ tiêu về kinh tế và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020 được bố trí 11.365 tỷ đồng. Thực hiện các nhóm chỉ tiêu về văn hoá xã hội và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020 được bố trí 10.291 tỷ đồng. Thực hiện kế hoạch về quốc phòng an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ TP và cải cách tư pháp được bố trí 5.319 tỷ đồng. Thực hiện yêu cầu đảm bảo an toàn đê điều và hồ đập trên địa bàn TP được bố trí 1.798 tỷ đồng.
Dự kiến kết quả tổng thể, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 sẽ cơ bản hoàn thành trong giai đoạn này, trước mắt 274/280 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011 - 2015 và khởi công mới năm 2016 chuyển tiếp thực hiện sang giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được hoàn thành trong các năm 2016, 2017, 2018; các dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được hoàn thành trong các năm 2019, 2020.
Các đại biểu HĐND TP |
Đối với cơ chế vốn thực hiện một số dự án lớn, tiêu biểu là dự án vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có tổng mức đầu tư bao gồm dự phòng khoảng 7.900 tỷ đồng, trường hợp không thực hiện được phương án thu hút đầu tư theo hình thức BT, UBND TP đề nghị HĐND TP xem xét cho phép đầu tư theo hình thức đầu tư công thông qua việc phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô trong các năm 2017 - 2020 và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác hoặc bằng cơ chế đặc thù khác.
Với dự án Tuyến đường sắt đô thị TP đoạn Nam Thăng Long - Nội Bài, UBND TP đề nghị HĐND TP cho phép huy động trái phiếu xây dựng Thủ đô trong các năm 2017 - 2020 và báo cáo TƯ cho phép TP Hà Nội được giữ lại 100% nguồn thu từ bán cổ phần của TP trong các doanh nghiệp để có nguồn lực đầu tư thực hiện dự án này.