Khác biệt giữa ông Trump và bà Harris về kinh tế và nhập cư
Kinhtedothi - Trong quá trình vận động tranh cử, Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa ra hai tầm nhìn hoàn toàn khác biệt về nhiều chính sách quan trọng cho nước Mỹ, như vấn đề kinh tế, nhập cư.
Theo tờ Telegraph, ông Trump nhiều khả năng sẽ điều hành nước Mỹ với chính sách thương mại đối đầu, ủng hộ việc áp mức thuế cao đối với Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.
Ứng viên đảng Cộng hòa đã đề xuất mức thuế lên tới 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu và 60% với hàng hóa Trung Quốc. Chính sách này có thể ảnh hưởng đến khối lượng hàng hóa nhập khẩu khổng lồ vào Mỹ với tổng trị giá lên tới 3.000 tỷ USD.
Bà Harris nói rằng, chính sách áp thuế cao của ông Trump có thể khiến các hộ gia đình Mỹ tốn thêm 4.000 USD mỗi năm. Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo nếu thuế quá cao có thể dẫn đến suy thoái.
Cựu Tổng thống Mỹ cam kết sẽ gia hạn và mở rộng loạt biện pháp cắt giảm thuế mà ông từng ký thành luật năm 2017, đồng thời hứa giảm thuế DN từ 21% xuống 15% đối với những công ty sản xuất tại Mỹ. Ông Trump tuyên bố sẽ miễn thuế thu nhập cho các chế độ phúc lợi an sinh xã hội và các khoản tiền boa khi ông trở lại Nhà Trắng.
Về phần mình, ứng viên đảng Dân chủ tuyên bố bà muốn xây dựng "nền kinh tế cơ hội", tập trung vào tầng lớp trung lưu, với các kế hoạch chống đầu cơ giá, thúc đẩy phát triển nhà ở, hỗ trợ người mua nhà lần đầu và mở rộng tín dụng thuế trẻ em.
Bà Harris cũng cam kết cắt giảm thuế cho hàng chục triệu gia đình có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời ủng hộ giảm thuế cho các DN và chủ DN nhỏ. Giống như Tổng thống Biden, bà Harris muốn tăng thuế DN từ 21% lên 28%, nhưng bà muốn áp dụng mức thuế tối thiểu 25% đối với các hộ gia đình giàu có nhất. Bà Harris cũng là người ủng hộ mạnh mẽ việc xóa nợ cho sinh viên.
“Bà Harris đang tăng cường nỗ lực hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp, tầng lớp trung lưu cùng các DN nhỏ bằng cách tăng thuế đối với người giàu và các tập đoàn lớn” - chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nói với Reuters.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá kế hoạch thuế của cả hai ứng viên Mỹ đều sẽ dẫn tới tăng thâm hụt ngân sách, song thêm rằng kế hoạch của ông Trump có thể gây thâm hụt lớn hơn và lạm phát cao hơn.
Chính sách nhập cư vốn là vấn đề hàng đầu trong chiến dịch tái tranh cử của cựu Tổng thống Trump. Ông cho biết, ngay trong “ngày đầu tiên” nhậm chức sẽ đóng cửa biên giới Mỹ - Mexico và tiến hành các biện pháp cứng rắn để trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.
“Dưới thời chính quyền Trump, nếu bạn vào Mỹ trái phép, bạn sẽ bị bắt giữ ngay lập tức và bị trục xuất” - cựu Tổng thống Mỹ phát biểu tại Đại hội Quốc gia đảng Cộng hòa hồi tháng 7.
Tại một buổi vận động tranh cử ở TP Aurora, bang Colorado, vào ngày 11/10, ông cam kết rằng bất kỳ người di cư nào giết hại công dân Mỹ sẽ phải đối mặt với án tử hình nếu ông được giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 5/11.
Ngoài Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), ông Trump tuyên bố sẽ huy động cả cảnh sát địa phương, lực lượng Vệ binh Quốc gia và có thể cả quân đội Mỹ để bảo đảm an ninh biên giới.
Cựu Tổng thống Trump cũng dự định khôi phục một số chính sách gây tranh cãi trong nhiệm kỳ đầu. Một trong đó là chương trình "Ở lại Mexico", yêu cầu người xin tị nạn phải ở lại Mexico cho đến ngày hồ sơ của họ được phía Mỹ phê duyệt.
Trong khi đó, kế hoạch của Harris nhấn mạnh các chính sách hiện tại của chính quyền Tổng thống Joe Biden đang phát huy hiệu quả. Ứng viên đảng Dân chủ cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy một dự luật toàn diện về biên giới, nhằm thắt chặt việc nhập cư vào Mỹ và cam kết “thực thi luật pháp” đối với các trường hợp vượt biên trái pháp. Đồng thời, bà muốn cung cấp cho người di cư một con đường hợp pháp để có được quốc tịch.
Theo giới chuyên gia, các chính sách của ông Trump sẽ giảm nhập cư ròng xuống khoảng 750.000 người mỗi năm, trong khi kế hoạch của Harris có thể khiến mức nhập cư cao hơn. Trước thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19, số lượng người nhập cư vào Mỹ đạt khoảng 1 triệu người mỗi năm.
EU "mạnh tay" với xe điện, Trung Quốc "ngóng" bầu cử Mỹ
Kinhtedothi - Xe điện do Trung Quốc sản xuất có thể đối mặt với mức thuế nhập khẩu bổ sung của EU lên tới 38%.
Hé lộ cách các công ty châu Âu tác động vào bầu cử Mỹ
Kinhtedothi - Theo phân tích của Euronews, nhiều tập đoàn châu Âu đã âm thầm chuyển khoảng 14,3 triệu USD cho các chiến dịch tranh cử tại Mỹ trong chu kỳ bầu cử hiện tại. Trong đó, 56% dành cho chiến dịch tranh cử của Đảng Cộng hòa, và 44% dành cho Đảng Dân chủ.
Giá kim loại đồng ngày 31/10: giảm trước thềm bầu cử Mỹ
Kinhtedothi - Giá đồng giảm nhẹ khi các nhà giao dịch chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có sự cạnh tranh gay gắt và chờ đợi quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu là Trung Quốc tung ra các biện pháp kích thích kinh tế hơn nữa.