Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Khoán xe công: Làm sao để không chỉ có riêng ở Bộ Tài chính?

Cả nước có khoảng 40.000 xe công khu vực hành chính sự nghiệp. Chi phí bình quân để vận hành một ô tô công lên tới 320 triệu đồng/năm.

Tính ra mỗi năm, ngân sách phải tốn khoảng 12.800 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn trong lúc đất nước còn khó khăn. Vì vậy, việc Bộ Tài chính khoán kinh phí sử dụng ô tô cho Thứ trưởng, Tổng cục trưởng và tương đương (có hiệu lực từ 1/10) nhằm giảm lãng phí ngân sách được người dân rất đồng tình. Tuy  nhiên, câu hỏi đặt ra là làm sao để cách làm nhiều ích lợi này không chỉ có riêng ở Bộ Tài chính.
Chuyện khoán công việc, khoán chi phí như khoán điện thoại, xăng xe… đã được thực hiện từ lâu. Riêng chủ trương khoán xe công cũng đã được định hướng. Quyết định số 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ khuyến khích những người trong diện có tiêu chuẩn xe công phục vụ, nếu “tự nguyện đăng ký” sẽ thực hiện khoán kinh phí sử dụng ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, để nuôi một chiếc xe công, mỗi năm mất khoảng 320 triệu đồng. Cả nước có gần 40.000 ô tô công (chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, DN Nhà nước). Như vậy, số tiền chi cho xe công rất lớn. Nếu khoán bình quân 10 triệu đồng/tháng thì chỉ phải chi 120 triệu đồng/xe mỗi năm. Vì vậy, nếu thực hiện toàn diện, rộng rãi, theo đúng quy định, tiêu chuẩn, hàng năm ngân sách tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng.
Trong thực tế, cơ chế khoán việc, khoán chi phí từ lâu đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Mà rõ nhất là câu chuyện “khoán 10” trong nông nghiệp cách nay mấy mươi năm. Cái lợi ai cũng biết, cũng thấy. Nhưng sao “khoán ruộng” thì ai cũng hồ hởi, phấn khởi, còn khoán xe thì lại hờ hững đến vậy. Chung quy cũng là vì những “đặc quyền đặc lợi” mà những chiếc xe biển xanh mang lại cho người dùng nó. Chuyện xe tư gắn biển xanh của nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh là một minh chứng của tâm lý “giải quyết khâu oai” của không ít người có chức có quyền. Cũng bởi thích “oai” mà các bộ, ban, ngành đua nhau sắm xe, sắm vượt tiêu chuẩn và vượt cả số lượng. Chỉ mới rà soát một lượt, mà cả nước đã thừa đến 7.000 ô tô công. Ngoài cái “oai” như là một thứ ma lực, thì sự nhập nhằn công - tư trong việc sử dụng ô tô cơ quan cũng là điều khiến nhiều người không dễ dàng chấp nhận từ bỏ thói quen đi xe biển xanh, dù ai cũng biết việc khoán xe công là tiết kiệm cho ngân sách.
Tại phiên họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở “Chính phủ và từng thành viên Chính phủ phải đi đầu trong việc tiết kiệm, chống lãng phí. Các bộ, ngành, đơn vị sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách, tài sản, nhất là xe công, trụ sở, hội họp, đi công tác”. Nói là làm, bản thân ông đã làm gương, không mua xe mới. Ông còn nghiêm cấm các địa phương chấm dứt cảnh rồng rắn ô tô hàng đoàn khi đón tiếp các đoàn công tác của T.Ư.          
Trong bối cảnh nợ công cao nhất từ trước tới nay, nông dân phải gánh trên vai đủ thứ lệ phí thì đó không còn là lời nhắc việc hàng ngày, hay đơn giản là sự nêu gương của người đứng đầu Chính phủ với thuộc cấp của mình nữa, mà là một mệnh lệnh đối với tất cả cán bộ công chức trong bộ máy công quyền, nhất là đối với những cán bộ chủ chốt, rằng: “Phải có trách nhiệm tiết kiệm từng đồng tiền thuế của dân”.          
Việc khoán xe công cho Thứ trưởng ở Bộ Tài chính là việc nên làm và phải làm quyết liệt, không nửa vời trên cơ sở đúng tiêu chuẩn, đủ kinh phí cho người trong diện được đưa đón bằng ô tô. Mặt khác, để chủ trương tiến bộ, nhiều lợi ích này đi vào cuộc sống, sau khi thí điểm ở Bộ Tài chính cần triển khai rộng rãi ở các bộ, ban, ngành khác để tiết kiệm thực sự trở thành một nếp sống, một tiêu chuẩn của đạo đức công chức.
Sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét dự thảo Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Mong rằng những vấn đề cụ thể về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công của các đối tượng trong tiêu chuẩn rất cần được quy định cụ thể. Mặt khác, cần phát huy tinh thần giám sát, phản biện xã hội, đi liền với xử lý nghiêm minh những vi phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng, thụ hưởng tài sản công.
Khoán xe công cho các chức danh lãnh đạo tưởng dễ mà khó! Nhưng khó cũng phải làm. Làm không chỉ để chống lãng phí của công, mà còn thể hiện sự gương mẫu, gần dân của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo.   
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ