Hạn chế chuyển lợi nhuận ra nước ngoàiQuy định khống chế chi phí lãi vay tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP do được Bộ Tài chính ban hành đang nhận được nhiều phản đối từ các DN, nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty. Ông nói gì về quy định này?- Nghị định 20/2017 có hiệu lực từ ngày 1/5/2017 là một công cụ nhằm chống xói mòn thuế thông qua quản lý giao dịch liên kết, đặc biệt là DN FDI. Thông qua Nghị định này, một lợi ích khác mà chúng ta có thể đạt được là đảm bảo sự ổn định và an ninh của thị trường vốn và các quan hệ cấp vốn. Tuy vậy, quy định tại Khoản 3, Điều 8 của Nghị định này đang bị nhiều DN lớn của Việt Nam phản đối. Lý do là vì các DN này không sử dụng vốn trực tiếp mà phân phối lại cho các đơn vị thành viên khác sử dụng thông qua hình thức cho vay lại dẫn đến công ty mẹ đang chịu trả lãi vay nhưng không có chi phí khấu hao bù vào, trong khi lãi đó bị khống chế mức trần 20%.
Nhưng vì quy định của Nghị định 20/2017 gây khó cho một số DN lớn hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của khối DN này nên bắt buộc chúng ta phải cân nhắc giữa quyền lợi của một số DN đó và lợi ích chung của cả nền kinh tế.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, quy định khống chế chi phí lãi vay cũng một phần để hạn chế tình trạng vốn mỏng của DN Việt. Ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?- Về mặt vĩ mô, tôi cho rằng quy định như vậy là hợp lý, chống thất thu thuế, đảm bảo nguồn tín dụng được phân phối cho đơn vị có nhu cầu sử dụng trực tiếp, thay vì phải chảy qua đơn vị trung gian, tạo rủi ro về cấp tín dụng và thị trường tài chính. Các DN cần nỗ lực làm ăn bài bản, giữ uy tín để đảm bảo chỉ số tín nhiệm tín dụng tốt, có kế hoạch kinh doanh bền vững, thay vì dựa dẫm vào công ty mẹ để huy động vốn.
Cân nhắc lợi ích chung của nền kinh tếTheo Tổng cục Thuế, trong khi các DN FDI không có kiến nghị thì các DN Việt Nam, trong đó, chủ yếu là khối DN bất động sản và một số DN, tập đoàn lớn sử dụng nhiều vốn vay lại kêu ca rất nhiều về quy định này?- Các DN FDI cho công ty vay theo hình thức rót vốn trực tiếp từ nước ngoài về Việt Nam thì công ty mẹ không bị chịu điều chỉnh bởi Nghị định 20/2017. Bên cạnh đó, DN FDI còn có thể sử dụng nhiều cách khác nhau để chuyển giá ra nước ngoài thay vì công cụ lãi suất. Bởi vậy, họ không có lý do để phản đối. Chỉ có một số DN lớn nội địa, đang có các hoạt động huy động vốn thông qua vay vốn, phát hành trái phiếu mới bị ảnh hưởng bởi quy định này.
Vậy, theo ông, làm sao để Nghị định 20 đạt được các mục tiêu đề ra mà vẫn tạo điều kiện cho các DN trong nước không bị ảnh hưởng quá nhiều?
- Rõ ràng là Bộ Tài chính đang ở một thế rất khó, bởi thiệt hại của các DN lớn đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con là có thật. Nếu đồng ý sửa đổi quy định này thì bị coi là mở đường cho các DN đi vay để đầu tư và tiềm ẩn khả năng mất an toàn của thị trường vốn. Đồng thời mở đường cho DN FDI chuyển lợi nhuận ra nước ngoài qua công cụ lãi suất nhằm trốn thuế. Vì vậy, như tôi nói ở trên, trong tình huống này, chúng ta phải cân nhắc giữa quyền lợi của DN và lợi ích chung của cả nền kinh tế.
Nhiều DN Việt vẫn cho rằng, Nghị định 20 mục tiêu là nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá của khối FDI qua các giao dịch liên kết nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến DN trong nước. Có vẻ như họ đang hiểu nhầm hoặc cố tình hiểu nhầm đối tượng, mục tiêu mà Nghị định này hướng đến?- Phải khẳng định rằng, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định quản lý thuế đối với DN liên kết, chứ không phân biệt riêng DN FDI hay DN trong nước, tức là không phân biệt về nguồn gốc vốn chủ sở hữu của DN. Đúng là đối tượng chịu tác động nhiều nhất là DN trong nước đang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con nhưng sự thiệt thòi này là lựa chọn bắt buộc phải chấp nhận nếu xét trên bình diện quốc gia.
Nghị định 20/2017 đưa ra một bộ các công cụ chống chuyển giá và chống xói mòn thuế giữa các DN liên kết chứ không riêng gì quy định này. Tùy thuộc mỗi loại hình tổ chức của DN mà sự ảnh hưởng của quy định sẽ thể hiện ở những khía cạnh nhất định. Việc đòi hỏi bỏ đi những quy định ảnh hưởng đến mình nhưng gây ảnh hưởng xấu đến cả nền kinh tế hay mục tiêu chung của quản lý thuế là không hợp lý.
Xin cảm ơn ông!