Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Không để phát sinh các khiếu kiện kéo dài

Kinhtedothi - Chiều 22/4, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và phát động cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2019 trên địa bàn TP. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn – Trưởng ban cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” chủ trì hội nghị.

 Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn trao tặng Bằng khen cho các tập thể.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương – Phó Chủ tịch Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật TP, ngay khi Luật Hòa giải ở cơ sở ban hành, UBND TP đã tổ chức quán triệt cho các lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo tư pháp các quận, huyện, thị xã, lãnh đạo Ủy ban MTTQ quận, huyện, thị xã, cán bộ tư pháp quận, huyện, thị xã trực tiếp phân công theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Bên cạnh đó, TP đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản liên quan trực tiếp đến công tác hòa giải ở cơ sở… Từ năm 2014 đến 2018, toàn TP tổ chức 47.934 cuộc tuyên truyền với khoảng 8,3 triệu lượt người tham dự.
Ngay khi Luật hòa giải có hiệu lực thi hành, từ năm 2014 đến nay, UBND TP đã tổ chức cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” dưới hình thức sân khấu hóa trên địa bàn TP, triển khai tới 30/30 quận, huyện, thị xã và cấp xã, phường, thị trấn. Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, tạo diễn đàn giao lưu trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên, biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP.
Hàng năm, TP đều tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật mới ban hành nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho cán bộ và Nhân dân, trong đó có các hòa giải viên.
Giải quyết tận gốc các mâu thuẫn
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các hòa giải viên, với tấm lòng nhiệt tình đã nỗ lực cố gắng đem lại niềm vui, sự hòa thuận trong từng gia đình, củng cố tình đoàn kết trong Nhân dân và giữ gìn trật tự an toàn ở cộng đồng dân cư.
Đặc biệt, các hòa giải viên, dù tuổi cao nhưng rất tâm huyết, đã vận động, thuyết phục để hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong khi chế độ, chính sách còn hạn chế.
 Trưởng ban Nội chính Báo Kinh tế & Đô thị Phạm Văn Dùng được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP vì có thành tích trong 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
Sau 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản chỉ đạo của T.Ư, Thành phố, công tác hòa giải trên địa bàn TP ngày càng đạt kết quả cao, góp phần quan trọng vào việc hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo và giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.
Công tác hòa giải trên địa bàn TP đã đi vào nề nếp, bài bản. Tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn TP ngày càng cao (năm 2018 tỷ lệ hòa giải lên đến 86,3%). Các cấp chính quyền đã gắn công tác hòa giải với công tác thi đua, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác hòa giải.
Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP vẫn còn có những hạn chế. Tại một số địa phương, việc hòa giải còn mang tính hình thức, vẫn còn tồn tại tình trạng sự việc xảy ra chưa phát hiện kịp thời hoặc giải quyết qua loa nên kết quả hòa giải thành chưa cao, dẫn đến khiếu nại, tố cáo. TP đã tổng hợp nhiều vụ việc khiếu kiện, tố cáo có thể giải quyết tốt ở cơ sở, nhưng vì cơ sở làm chưa tốt nên lại đẩy lên cấp trên.
“Do đó, cần phải giải quyết tận gốc các mâu thuẫn, không để phát sinh các điểm nóng, không để phát sinh các khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Thực tiễn cho thấy, nếu làm tốt hòa giải sẽ giúp chính quyền quản lý điều hành tốt” - Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đã phát động cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2019 dưới hình thức sân khấu hóa. 19 tập thể và 45 cá nhân có thành tích trong 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP; trong đó có Trưởng ban Nội chính Báo Kinh tế & Đô thị Phạm Văn Dùng.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ