Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Không để thực phẩm bẩn lọt ra thị trường

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, qua đó đã từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Chú trọng công tác kiểm tra

Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm luôn là vấn đề nóng được xã hội đặc biệt quan tâm vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe của cả cộng đồng.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Sở Công Thương Hà Nội cũng coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhất là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trà sữa, bánh trung thu, kem, rượu, bia….. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, NN&PTNT, quản lý thị trường và các quận huyện tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại 77 doanh nghiệp, qua đó phát hiện 22 doanh nghiệp vi phạm.

Đặc biệt, trong tháng 4/2023 đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội do Sở Công Thương chủ trì khi kiểm tra Công ty CP Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10 (ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì)  đã phát hiện 9.400 hộp kem sữa đặc do nước ngoài sản xuất quá hạn sử dụng (tương đương gần 10 tấn) và gần 30.000 que kem thành phẩm có vi phạm về an toàn thực phẩm và chuyển giao cho lực lượng quản lý thị trường xử lý.

Lực lượng chức năng Hà Nội bắt giữ 30.000 que kem thành phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm tại Công ty CP Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10 (ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì). Ảnh: Hoài Nam 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Đình Thắng cho biết, qua kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và thức ăn đường phố cho thấy, một số cơ sở sản xuất chưa thực hiện tự công bố sản phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm; sử dụng phụ gia, hóa chất chưa xuất trình được hồ sơ và nguồn gốc của các loại hóa chất đó cho cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Một số cơ số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không bố trí riêng biệt theo quy định về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến, đóng gói.

“Nhằm hạn chế hiện tượng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Công Thương đã kiên quyết xử lý đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm; tuyệt đối không để các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Đồng thời cũng đã có văn bản đề nghị các cấp, các ngành, chính quyền địa phương thuộc TP Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền về công tác an toàn thực phẩm tại cơ sở, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng” - ông Thắng thông tin .

Nhiều bất cập cần khắc phục

Mặc dù đã đẩy mạnh hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, nhưng trong qua trình triển khai lực lượng chức năng còn gặp nhiều bất cập từ những quy định của pháp luật hiện hành chưa theo kịp thực tế.

Theo các chuyên gia, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 của Chính phủ đã tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục công bố sản phẩm thực phẩm bảo đảm về an toàn, nhưng vô hình trung lại “bỏ quên” việc tuân thủ các quy định về chất lượng. Vì vậy, nếu chỉ thông qua các bản tự công bố sản phẩm thực phẩm sẽ thấy các sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu đều có mức độ an toàn như nhau, không thể phân biệt được sản phẩm nào có chất lượng hơn sản phẩm nào.

Lực lượng chức năng Hà Nội bắt giữ thực phẩm đông lạnh nhập khẩu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Hoài Nam

Quá trình thanh tra, kiểm tra cũng cho thấy quy định pháp luật đang có “lỗ hổng” về điều kiện miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Cụ thể những cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000…. còn hiệu lực thì sẽ được miễn cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Thế nhưng nếu những cơ sở này không duy trì các điều kiện, quy trình bắt buộc khi được cấp các giấy chứng nhận đó thì lại không bị xử lý, nguyên nhân là bởi thiếu vắng chế tài xử lý hành vi vi phạm.

Ngoài ra các cơ sở sản xuất được phép tự công bố sản phẩm, tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm nên một số doanh nghiệp không có giấy phép sản xuất rượu nhưng vẫn thực hiện việc thuê gia công sản phẩm rượu để lưu hành trên thị trường. Đây cũng là một trong những bất cập giữa quy định về an toàn thực phẩm và quy định về sản xuất, kinh doanh rượu hiện hành.

Lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể. Ảnh: Hoài Nam

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 336 KH-UBND về công tác An toàn thực phẩm TP Hà Nội năm 2023. Thông tin từ Sở Công Thương cho thấy nhằm thực hiện kế hoạch của UBND TP Hà Nội, thời gian tới Sở Công Thương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo GAP, HACCP, ISO 22000…

Đồng thời rà soát những bất cập tại các văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, kết nối cung - cầu các sản phẩm an toàn, có nhãn hiệu, thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao truy xuất nguồn gốc rõ ràng nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô.

 

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ