Những sai lầm khi sử dụng tủ lạnh gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm
Để lẫn lộn thực phẩm tươi sống vào thực phẩm đã chế biến, không đậy kín thức ăn thừa hay không sơ chế thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh...
Không sơ chế thực phẩm
Chị Nguyễn Lan Anh, nhân viên một công ty thực phẩm ở Hà Nội cho biết, tủ lạnh là nơi bảo quản thực phẩm thật tuyệt vời. Thế nhưng rất nhiều người nội trợ mắc sai lầm khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh. Nhiều người để lẫn lộn thực phẩm tươi sống vào đồ đã chế biến.
Các loại thực phẩm như rau củ quả chưa được rửa sạch, thịt cá tươi sống chứa rất nhiều vi khuẩn và hiểm hoạ ngộ độc. Khi mua thực phẩm từ chợ về, các loại rau củ quả còn dính nhiều phân thuốc, nhiều các loại chất bẩn từ trong chợ. Thịt cá tươi sống chưa chế biến cũng chứa nhiều loại vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, một số người bất cẩn để các loại thực phẩm này vào chung với thức ăn còn thừa đã qua chế biến nên dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại.
Thực phẩm cần được đóng gói cẩn thận trước khi bỏ vào tủ lạnh |
“Ở một số gia đình thường cho cả đĩa thức ăn thừa vào tủ lạnh, đó là một sai lầm nghiêm trọng. Ví dụ như thịt kho, cá kho để vào trong tủ lạnh mà không che đậy dễ làm cho vi khuẩn xâm nhập và gây ra mùi khó chịu. Ngăn mát của tủ lạnh chỉ làm vi khuẩn ngưng hoạt động chứ không hẳn tiêu diệt chúng. Vì vậy việc không đậy nắp thức ăn thừa là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi”, chị Lan Ạnh chia sẻ.
Chị Nguyễn Hồng (Gia Lâm, Hà Nội) cũng cho biết, trước đây chị có thói quen rất xấu. Đó là chị chợ về, sẽ tống tất cả vào tủ lạnh mà không sơ chế. “Thực sự công việc của mình rất bận, nhà lại xa chỗ làm nên lúc nào cũng phải đi sớm hơn đồng nghiệp 20-30 phút. Thế nên sáng sớm mình đi chợ về sẽ cất tất cả vào tủ lạnh, sau đó ăn bữa nào mới mang ra chế biến”, chị Hồng nói.
Tuy nhiên, một lần hai đứa con chị Hồng bị ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng khiến chị phải xem xét lại toàn bộ việc nội trợ trong gia đình. “Tìm hiểu thêm qua sách báo, mình nhận ra đã mắc nhiều sai lầm trong bảo quản thực phẩm. Trong đất trồng rau thường có vi khuẩn Ecoli rất nguy hiểm. Loại vi khuẩn này có thể lây lan từ rau sang các loại thực phẩm khác. Vì thế, sơ chế thực phẩm trước khi bỏ vào tủ lạnh là việc rất quan trọng, không thể bỏ qua”, chị Hồng chia sẻ.
Nắm rõ các quy tắc
Các chuyên gia khuyến cáo, vệ sinh tủ lạnh thường xuyên là cách tốt nhất để chống vi khuẩn xâm nhập và giữ chúng tươi lâu hơn. Do đó, mỗi gia đình nên lập một lịch trình lau dọn tủ lạnh định kỳ, loại bỏ những thực phẩm dư thừa hoặc không sử dụng đến, lau kỹ từng ngăn trong tủ lạnh và bỏ ngay những loại đã hỏng.
Thực phẩm cần phải được sơ chế nhằm đảm bảo an toàn |
Bên cạnh đó, trứng và sữa không nên để ở cánh tủ lạnh – nơi có nhiệt độ cao nhất. Cánh tủ lạnh thường xuyên bị mở ra làm cho nhiệt độ ở khu vực này thay đổi thường xuyên nên chỉ thích hợp để những thực phẩm có thời hạn lâu dài và có khả năng chịu được biến động nhiệt độ như các loại gia vị khô, đồ khô…
Một số gia đình cất trữ thịt sống ở bất kỳ ngăn nào cũng là sai lầm. Người nội trợ nên để thịt sống ở một ngăn nhất định của tủ lạnh nhằm ngăn chặn vi khuẩn từ thịt sống lan tràn ra khắp tủ lạnh. Những ngăn thấp trong tủ lạnh là nơi lý tưởng để bảo quản thịt, hải sản tươi sống, trứng… Đây ngăn lạnh nhất trong tủ lạnh và có khả năng giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn.
Bảo quản thực phẩm với mức nhiệt lạnh thích hợp với nguyên liệu và số lượng cũng rất quan trọng. Nếu thực phẩm nhiều bạn cần thay đổi chế độ tăng số cho tủ và ngược lại. Có như vậy thực phẩm mới tươi ngon hơn.
5 không khi bạn uống nước chanh ấm buổi sáng
Kinhtedothi - Bạn thường xuyên uống nước chanh ấm thì hãy chú ý để không mắc phải những sai lầm dưới đây.
Những loại thực phẩm nào tuyệt đối không nên bảo quản trong tủ lạnh?
Tủ lạnh là người bạn đồng hành của mỗi gia đình, là nơi để lưu trữ thực phẩm hiệu quả nhất. Không phải loại thực phẩm nào cũng có thể bảo quản trong tủ lạnh. Dưới đây là 12 loại thực phẩm chúng ta không nên bảo quản trong tủ lạnh.
Liên tiếp có người tử vong do ăn nấm
Kinhtedothi - Thời gian gần đây, liên tiếp có những ca tử vong do ăn nấm rừng. Theo các bác sĩ, để phòng tránh ngộ độc nấm, người dân hãy không ăn các loài nấm mọc hoang dại, trừ mộc nhĩ, kể cả khi bạn là chuyên gia về nấm.