Thursday, 09:04 31/01/2019
Không lo khan hàng, sốt giá dịp Tết
Kinhtedothi - Bước vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm tăng cao, vậy ngành công thương Hà Nội có đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường? Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội về công tác chuẩn bị hàng Tết, tổ chức bán hàng cũng như kiểm soát thị trường, giúp người tiêu dùng yên tâm mua sắm.
Thưa bà, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, TP Hà Nội có sự chuẩn bị nguồn hàng như thế nào? Sở Công Thương Hà Nội đánh giá thế nào về thị trường Tết năm nay?- Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thời điểm này, các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để bảo đảm phục vụ nhu cầu đa dạng của Nhân dân trong dịp Tết. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn TP đạt khoảng 28.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với dự trữ hàng hóa Tết năm 2018). Cụ thể, các DN sản xuất bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát phục vụ Tết dự kiến đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 10.000 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng bánh mứt kẹo, giò chả, chè, miến dong, bột sắn… tổng giá trị khoảng 2.200 tỷ đồng. DN kinh doanh thương mại dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 15.300 tỷ đồng. Ngoài ra, có 20 DN đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá với lượng hàng hóa dự trữ khoảng 8.680 tỷ đồng, tổ chức đưa hàng bình ổn đến 10.688 điểm bán hàng (tăng 3.865 điểm) và 3 tổ chức tín dụng tham gia với tổng hạn mức đăng ký trên 2.700 tỷ đồng.Nhằm đảm bảo lượng hàng phục vụ Tết Nguyên đán, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức nhiều hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa cho thị trường Hà Nội. Riêng mặt hàng thịt lợn, nhằm tránh những biến động lớn, Sở Công Thương Hà Nội đã kết nối với nhiều nhà cung cấp để có thể bình ổn thị trường cũng như đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong những thời điểm cao điểm.Với sự chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào như vậy, đồng thời thu nhập của người dân không có nhiều biến động lớn, dự báo tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến khó có thể xảy ra.
Khách chọn mua hàng tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |