Monday, 08:00 06/01/2020
Không ngừng cải cách vì sự hài lòng của người dân
Kinhtedothi - Năm 2019, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được TP xác định là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề công tác "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị 2019", hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ. Từ TP đến cơ sở đã tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, lấy sự hài lòng của người dân, DN là thước đo.
Giải quyết nhanh gọn nhờ tăng liên thông
Trưởng Phòng CCHC (Sở Nội vụ) Phạm Tuấn Anh nhận định: Năm 2019, TP xác định rất trúng, đúng chủ đề công tác, đã cơ bản đáp ứng nguyện vọng của người dân, DN. 100% cơ quan, đơn vị thuộc TP xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng phòng, ban, bộ phận; từng cán bộ, công chức, viên chức, qua đó tạo những kết quả nổi bật. Công tác lãnh đạo, điều hành có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, sáng tạo, mang lại hiệu quả rõ rệt; tổ chức triển khai đồng bộ trên tinh thần “5 rõ”, “một đầu mối, một việc xuyên suốt”. Đặc biệt, từ TP đến cơ sở không ngừng rà soát thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng tạo thuận lợi cho người dân; có chuyển biến rõ nét trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông (MCLT), góp phần giải quyết giấy tờ cho người dân ngày càng nhanh, gọn.
TP sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả chỉ đạo của T.Ư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về CCHC gắn với triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và thực hiện chủ đề công tác năm 2020 của TP. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh CCHC, tập trung triển khai các nội dung liên quan Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị; hoàn thành thắng lợi, về đích sớm các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra giai đoạn 2016 - 2020 gắn với xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
Cụ thể, theo Sở Nội vụ, bên cạnh hoàn thành xây dựng toàn bộ quy trình nội bộ giải quyết công việc, TTHC tại từng cơ quan, đơn vị, bộ phận theo mô hình khung quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO hiện hành, trong năm, TP đã xây dựng quy chế phối hợp liên thông giải quyết TTHC tại một số lĩnh vực trọng điểm, rút ngắn thời gian giải quyết; đơn giản hóa thành phần hồ sơ và ủy quyền một số sở, ngành thực hiện một số TTHC thuộc thẩm quyền TP. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các sở, ngành xây dựng đề án, quy trình liên thông, nhất là những ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp người dân, DN đều được chú trọng để giảm tối đa thời gian, chi phí giải quyết TTHC.
Dẫn chứng rõ nhất trong lĩnh vực thuế, việc cấp mã số DN tự động cho DN thành lập mới không quá 30 phút; kê khai thuế qua mạng đạt 98,11%; đã có 95% đơn vị đăng ký nộp thuế điện tử, với tỷ lệ tiền thuế nộp điện tử khoảng 95%. Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng và trao đổi thông tin với DN qua thư điện tử đều đạt 100%, cấp phép đầu tư qua mạng cũng đạt 73%… Trong lĩnh vực BHXH, số đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử chiếm trên 97% số đơn vị tham gia BHXH, BHYT bắt buộc. Thực hiện liên thông tiếp cận điện năng, ở lưới điện trung áp, với công trình nhỏ hơn 5 tuyến đã giảm còn 11 ngày, với công trình 5 tuyến trở lên giảm còn 16 ngày (năm 2015 là 40 - 48 ngày).
Ngay cả lĩnh vực luôn được coi là rất khó ở Hà Nội là tiếp cận đất đai, cấp "sổ đỏ" cũng có nhiều cải cách thuận lợi cho DN, người dân. Đáng chú ý, thực hiện quy chế phối hợp liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, đến nay BHXH TP đã triển khai thủ tục liên thông cấp thẻ BHYT cho trẻ tại BHXH 30 quận, huyện, thị xã bằng giao dịch hồ sơ điện tử và chuyển qua dịch vụ bưu chính; giảm thời gian từ 7 ngày còn chưa tới 2 ngày với địa bàn quận, 3 ngày với huyện, cả nước duy nhất Hà Nội thực hiện được TTHC liên thông này. TP cũng đã áp dụng một cửa, MCLT trong cung ứng nhiều dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công tại các đơn vị sự nghiệp, DN được giao cung ứng dịch vụ công như nước sạch, trợ cấp thất nghiệp, dịch vụ việc làm, tang lễ, y tế, xây dựng…
Chính việc triển khai một cửa, MCLT tại các cơ quan hành chính đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả, cùng với tăng cường rà soát đơn giản hóa TTHC, thành phần giấy tờ… đã góp phần đưa tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng, trước hạn toàn TP năm qua đạt 98,81%.
Tăng ứng dụng CNTT phục vụ người dân
Tại cuộc tổng kết ngành nội vụ năm 2019 mới đây, lãnh đạo TP Hà Nội đã đánh giá: Năm qua, cùng với tích cực tăng cường một cửa, MCLT trong giải quyết hồ sơ thì một kết quả nổi bật trong CCHC phục vụ người dân, DN là TP đã tích cực triển khai vận hành chính thức hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của TP đến 22 sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã, 584 xã, phường, thị trấn. Đến nay, toàn TP có 1.448/1.818 TTHC được triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4, đạt 81% (trong đó 239 TTHC mức 4) và đang tích cực thí điểm kết nối, tích hợp với Cổng DVC quốc gia theo lộ trình của Chính phủ, hướng tới cung cấp DVC không phụ thuộc thời gian, địa giới hành chính. Song song đó, TP triển khai tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT tại một số tổ dân phố, khu dân cư; tổ chức thi tìm hiểu, hướng dẫn sử dụng DVCTT mức 3, 4 cho học sinh THCS nhằm thông qua các em tuyên truyền tới gia đình, cộng đồng; tạo tiền đề xây dựng “công dân điện tử”, “TP thông minh”. Tại nhiều địa bàn bố trí công chức, cộng tác viên hướng dẫn, tư vấn miễn phí cho công dân về DVCTT và thủ tục gửi hồ sơ, nhận kết quả qua đường bưu điện tại bộ phận một cửa… TP còn triển khai cấp căn cước công dân, đăng ký mô tô điện, xe máy điện tại các trường học, khu đô thị, khu dân cư.
Nhìn từ cơ sở cũng có thể thấy rõ những nỗ lực đưa DVCTT đến gần người dân hơn. Như quận Hà Đông, đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, trong đó in hàng vạn tờ rơi, hàng trăm pano đến các khu dân cư, tổ dân phố; viết bài về thực hiện DVCTT đăng trên Cổng TTĐT và thường xuyên phát trên hệ thống truyền thanh. UBND quận còn tập huấn cho các trường THCS, nhất là học sinh khối 8 để thực hiện các DVC mức 3 tại gia đình. “Điểm mới là chúng tôi thành lập nhiều điểm hỗ trợ công dân thực hiện DVCTT mức 3, sau thí điểm tại phường Vạn Phúc nay đã nhân rộng đến 17 phường còn lại với 2 điểm/phường. Một số điểm thông qua xã hội hóa đã có đủ máy tính, máy in, máy quét, đường truyền mạng; các điểm khác tận dụng thiết bị của hợp tác xã, nhà văn hóa hoặc qua Ipad, điện thoại thông minh... Với việc lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền và triển khai các điểm DVCTT, đã góp phần nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực hiện trực tuyến qua Cổng DVC của TP, giảm đáng kể thời gian, chi phí cho người dân” - Phó Chánh Văn phòng UBND quận Mai Thị Kim Hồng cho hay.
Từ kết quả tích cực năm 2019, theo ông Phạm Tuấn Anh, 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch 2015 - 2020), công tác CCHC được TP xác định là nhiệm vụ phải làm thường xuyên, liên tục, trong đó có những nội dung khó, nên đòi hỏi tập trung quyết liệt trên toàn TP. Cần đẩy mạnh tinh thần “5 rõ” như TP đã chỉ đạo, quan tâm hơn công tác thanh, kiểm tra, chú trọng hoạt động ở cấp chính quyền cơ sở, có hệ thống kiểm soát kiểm đếm nội dung công việc.