Kỹ năng sống: Thiện chí từ hai phía
Kinhtedothi - Mối quan hệ giữa mẹ chồng với nàng dâu là một phần quan trọng trong việc quyết định sự bền vững và êm ấm của gia đình.
Bởi cứ nhắc đến mẹ chồng, nàng dâu người ta hay nghĩ ngay đến mối bất hòa. Tuy nhiên, ngày nay có nhiều người mẹ chồng đã trở thành tri kỷ, người bạn lớn của con dâu.
Một người phụ nữ kể, ngày mới về làm dâu, chị làm gì cũng phải dè dặt để ý mẹ chồng. Biết được suy nghĩ của con dâu, mẹ chồng chị chủ động gọi con lại trò chuyện cởi mở. Bà luôn nói với con dâu: “Mẹ đã từng làm dâu và mẹ biết con cần người thương yêu mình hơn người thù ghét mình, nên lúc nào mẹ cũng coi con như một người bạn thân”. Dần dần chị tự tin hơn. Những khúc mắc trong cuộc sống chị thường tâm sự với mẹ chồng và bà giúp đỡ chị tháo gỡ. Và đúng là chẳng biết từ bao giờ, mẹ chồng trở thành người để dốc bầu tâm sự của chị. Nếu một ngày không được nói chuyện với mẹ, chị thấy có cái gì đấy thiếu thiếu. Hơn nữa, bà cũng luôn sẵn sàng chia sẻ những khó khăn trong công việc của cô.
Nhiều nàng dâu thường có ác cảm với mẹ chồng ngay cả trước khi bước về làm dâu. Bên cạnh đó, cũng không ít nàng dâu dành cho mẹ chồng những tình cảm chân thành, quý trọng như mẹ đẻ và đã “chiếm” được tình cảm của mẹ chồng. Tâm lý của nhiều bà mẹ chồng là sợ con dâu độc chiếm con trai mình. Cũng vì vậy mà họ hay có những phản ứng như “soi” con dâu và “giữ” con trai. Hầu hết những mẹ chồng yêu con dâu là bởi con dâu biết làm yên lòng họ. Nhiều người chung sống với mẹ chồng, nhưng gia đình luôn ngập tràn trong tình yêu thương, hạnh phúc.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, mẹ chồng trước hết là mẹ, nên con dâu phải kính trọng và yêu thương. Nếu muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc thì đừng đặt chồng vào thế kẹt giữa hai người phụ nữ. Các nàng dâu nên học cách đối xử đúng mực với mẹ chồng mà không khiến chồng thất vọng. Nhất là trong hoàn cảnh gia đình có nhiều thế hệ sống chung, mẹ chồng nàng dâu hòa thuận thì gia đình mới yên vui, hạnh phúc và phát triển tốt.
Nhưng mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu cũng như các mối quan hệ xã hội khác, cần phải có thiện chí từ hai phía. Không chỉ người con dâu cố gắng, chính mẹ chồng cũng là nguồn để khơi nên những niềm hạnh phúc. Đa số bà mẹ chồng thời nay đều ở tuổi trên dưới 55, hơn nữa cuộc sống có nhiều cái mới nên làm mẹ chồng bây giờ không thể dập khuôn theo hình mẫu ngày trước. Ngày nay tư thế người con dâu cũng khác. Họ gia nhập vào gia đình nhà chồng khi đã trưởng thành, vừa phải chăm lo gia đình nhà chồng lại vừa phải quan tâm đến cha mẹ đẻ của họ, vì trách nhiệm của con trai, con gái bình đẳng như nhau. Điều nên tránh để mất hòa khí trong gia đình là mẹ chồng không nên chê bai con dâu trước mặt con trai. Nếu con đã ở riêng, cũng không nên tự cho mình cái quyền muốn đến lúc nào thì đến và ở lại bao lâu thì tùy mình. Khi vợ chồng con mâu thuẫn, cãi nhau, mẹ chồng tránh bênh con trai, và không nên nói con trai mình tuyệt vời như thế nào. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, mẹ chồng nhiều tuổi gấp đôi con dâu và có nhiều kinh nghiệm sống hơn, bởi thế sự độ lượng với cái non nớt, vụng dại của con dâu là rất cần thiết, khi ấy mẹ chồng thực sự trở thành người bạn lớn của con dâu.