Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Vì sự hài lòng của người bệnh

Kinhtedothi - Gần một tháng sau khi Quy tắc ứng xử (QTƯX) của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trực thuộc TP Hà Nội ban hành, 100% các cơ sở, bệnh viện (BV) của Hà Nội đã triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, những người mặc blouse trắng đã vận dụng khéo léo quy tắc theo những đặc thù riêng của ngành y để hướng đến mục tiêu chung: Vì sự hài lòng của người bệnh.

Từ phong trào “Đổi mới”

Giữa năm 2015, ngành y tế quyết “thay da đổi thịt” từ phong trào “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh”. 100% các BV ký cam kết đổi mới với hàng loạt các hành động cụ thể như đổi mới quy trình khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính, thay đổi trang phục nhân viên y tế, xây dựng BV xanh – sạch – đẹp… Hàng loạt các cuộc kiểm tra, giám sát, đánh giá của các cấp ngành từ T.Ư đến địa phương được tổ chức để kịp thời chỉ ra những thiếu sót của các BV. Cũng nhờ vậy, cái nhìn của người dân, người bệnh với ngành y đã có nhiều thiện cảm.
 Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải
Cuối năm 2016, Sở Y tế TP Hà Nội cũng đã có cuộc kiểm tra 66 BV trong và ngoài công lập trực thuộc ngành. Từ các cuộc kiểm tra trước đó của Bộ Y tế về thực hiện phong trào này tại 22 BV cho thấy, mức độ hài lòng chung của người bệnh về thời gian khám bệnh đạt 81,3%; mức độ hài lòng của người bệnh đối với phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế đạt 89,8%. Tiếp tục hành trình đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, các BV trên địa bàn Hà Nội tiếp tục triển khai QTƯX mà TP mới ban hành, dựa trên “nền” của phong trào "Đổi mới" từ trước đó. Ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, QTƯX mà TP ban hành khi gắn với ngành y dường như thêm một lời nhắc nhở nữa với các cán bộ, nhân viên y tế về thái độ phục vụ, kỷ cương hành chính trong giờ làm để hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Vận dụng khéo léo

7 giờ 30 phút sáng, tại BV Đa khoa Đống Đa, hàng chục bệnh nhân đã ngồi chờ để lấy phiếu khám. Đội ngũ nhân viên tiếp đón cũng đã có mặt, sẵn sàng cho một ngày làm việc mới. Nếu theo đúng quy định giờ làm của Nhà nước là 8 giờ thì 100% các BV trên địa bàn Hà Nội đều mở cửa đón bệnh nhân từ trước 30 phút đến 1 tiếng. Riêng với các khoa phòng chuyên môn, khái niệm “8 giờ làm, 5 giờ về” gần như không tồn tại vì giờ về phụ thuộc vào tình trạng bệnh nhân. Bác sĩ Phạm Bá Hiền – Phó Giám đốc BV Đống Đa chia sẻ, mặc dù các bác sĩ, điều dưỡng đều được chia ca làm việc nhưng vào những ngày cao điểm đông bệnh nhân hoặc những đợt có dịch thì tua trực trước phải có trách nhiệm ở lại hỗ trợ giúp đỡ tua trực sau. Nhất là những tua trực đêm ít người nên tua trực trước đó thường phải làm thêm giờ để hỗ trợ, đảm bảo khi bệnh nhân đã ổn định mới bàn giao ca.

Áp dụng QTƯX, đề cao kỷ cương trong giờ hành chính, ban lãnh đạo BV Đống Đa đã yêu cầu 100% các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên phải có mặt tại BV trong ca trực; trang phục phải đảm bảo theo đúng yêu cầu đối với nhân viên y tế. Từ giữa năm 2016, khi chưa có chỉ thị của TP, BV cũng đã quán triệt đến toàn thể cán bộ về việc nghiêm cấm sử dụng rượu bia trong giờ nghỉ, trong ca trực. BV cũng đã thành lập các tổ giám sát các khoa phòng, lấy đó là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua. “QTƯX mà TP ban hành là cái nhìn bao quát về thái độ làm việc và kỷ cương hành chính trong các cơ quan, ngành y tế đã đi trước một bước từ phong trào “Đổi mới phong cách thái độ của cán bộ, nhân viên y tế”. Dựa trên những hoạt động cụ thể đã làm, BV Đống Đa đã chủ động lồng ghép Bộ QTƯX vào những hoạt động này, siết chặt hơn về kỷ cương hành chính, chấn chỉnh một lần nữa thái độ của cán bộ y tế với bệnh nhân và giữa các cá nhân với nhau” - bác sĩ Hiền chia sẻ.
Sáng 22/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác khám chữa bệnh tại BV Thanh Nhàn, BV đa khoa Xanh Pôn và Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng yêu cầu BV Thanh Nhàn cần quyết liệt đổi mới hơn nữa  trong công tác quản trị, trong xây dựng mô hình bệnh viện xanh - sạch - đẹp, đặc biệt chú ý đến các nhà vệ sinh tại các khoa, phòng; BV Xanh Pôn cần sắp xếp, cải tiến quy trình tiếp đón bệnh nhân, quy trình khám chữa bệnh, làm sao để tạo thuận lợi nhất cho người bệnh; Với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, lưu ý phòng tiêm chủng phải bảo đảm kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm soát kỹ tiền sử bệnh tật của trẻ để tránh tai biến, đồng thời trong phòng tiêm phải bố trí khoa học, để có thể tăng được bàn tiêm mà vẫn đảm bảo an toàn cho tiêm chủng.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Chủ quan, nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng nhập viện

Chủ quan, nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng nhập viện

16/01/2025 | 13:49

Kinhtedothi - Gần đây, số ca mắc cúm, viêm phổi, viêm phế quản do các loại vi khuẩn, virus nhập viện tăng cao, chủ yếu là các bệnh nhi, người lớn trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu, có bệnh nền. Đáng nói, nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh, trở nặng, nhập viện muộn.

Tin tài trợ