Làm sao để Việt Nam có thực phẩm an toàn "từ trang trại tới bàn ăn"?
Kinhtedothi - Đó là một trong số các vấn đề được bàn luận tại sự kiện Diplohack với chủ đề "Niềm tin trong chuỗi thực phẩm" được tổ chức tại Hà Nội hôm 14/12.
Tại sự kiện Diplohack do Đại sứ quán Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển phối hợp tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội, các tổ chức phi chính phủ, các nhà ngoại giao, các chuyên gia công nghệ thông tin, các nhà sản xuất thực phẩm cùng với các nhóm quan tâm đến bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng đã tham gia thảo luận và phát triển những ý tưởng sáng tạo hướng tới tạo lập niềm tin cho chuỗi thực phẩm. Sự kiện lần này xoay quanh câu hỏi "Ai là nhà cung cấp thực phẩm người tiêu dùng có thể tin tưởng?".
Tiếp cận thông tin về thực phẩm sạch trên thị trường hiện đang gặp những khó khăn, và vì thế tại sự kiện Diplohack, các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi những vấn đề như ai hoặc cơ quan nào chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, ở hình thức và phương tiện truyền thông nào. Điều quan trọng nhất là bằng cách nào chúng ta có thể tin tưởng vào những nguồn thông tin nhận được.
Ông Arie Veldhuizen - Tham tán Nông nghiệp tại Đại sứ quán Hà Lan nhận định: "Các bạn cần có một chuỗi giá trị đảm bảo thực phẩm hoàn toàn an toàn "từ trang trại đến bàn ăn". Vì thế, tất cả các bên liên quan phải được kết nối và tất cả các giai đoạn trong chuỗi giá trị cần được theo dõi và giám sát chặt chẽ. Ví dụ, một nhóm gồm hai người Hà Lan và hai người Việt Nam đã phối hợp để lập ra một chuỗi giá trị thịt lợn an toàn bền vững, với một nhãn hiệu người tiêu dùng Việt Nam có thể tin cậy".
Chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn, bà Camilla Bjelkås, Cán bộ văn hóa tại Đại sứ quán Thụy Điển cho biết: "Ở Thụy Điển, chúng tôi có một số cơ quan chính phủ liên tục theo dõi và giám sát nguồn gốc sản phẩm thực phẩm. Bên cạnh việc điều tra, họ cũng đảm bảo rằng các nhà sản xuất dán mác, quảng bá các sản phẩm của họ với các chứng chỉ khác nhau tuân tủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật. Một trong những cơ quan đóng vai trò đầu mối quan trọng là Cơ quan Lương thực Quốc gia, chịu trách nhiệm về ban hành văn bản pháp luật và kiểm soát thực phẩm. Nhờ một xã hội minh bạch, các nhà báo có thể dễ dàng đưa ra các bài viết về lừa đảo, thực phẩm không an toàn hoặc những vấn đề đang diễn ra trong ngành công nghiệp thực phẩm. Vì thế, trong vai trò một người tiêu dùng ở Thụy Điển, bạn có thể dễ dàng gửi những phàn nàn, khuyến nghị đến Cơ quan Lương thực Quốc gia hoặc trao đổi trực tiếp với các cơ quan báo chí truyền thông, bất cứ khi nào bạn có những nghi ngờ liên quan đến thực phẩm bạn đã mua hoặc tiêu dùng".
Người tiêu dùng ở các đô thị lớn của Việt Nam, đặc biệt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày càng có thu nhập cao hơn, quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe, cũng như sử dụng internet để tra cứu thông tin. Vì thế, các kết quả khảo sát trước đây cho thấy người tiêu dùng đang cảm thấy lo lắng về sự an toàn và nguồn gốc xuất xứ về thưc phẩm họ sử dụng. Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại này, họ chưa ý thức được về khả năng tiếp cận các sản phẩm hữu cơ, ví dụ rau hữu cơ trên một quy mô rộng lớn hơn. Bên cạnh đó, đã có nhiều hơn các nhóm nông dân trồng rau hữu cơ ở Việt Nam, cùng với đó là nhu cầu tăng mạnh của người tiêu dùng Việt Nam đối với các loại rau quả an toàn.
Diplohack là một phương pháp mới nhằm tạo ra một diễn đàn chung cho các tổ chức xã hội dân sự, khối doanh nghiệp, các bạn trẻ, các chuyên gia CNTT và các nhà ngoại giao để cùng nhau thảo luận và đưa ra những ý tưởng mới về cách thức giải quyết các vấn đề quan trọng trong xã hội. Điều khiến cho Diplohack trở nên độc đáo, mạnh mẽ là sự kiện kết hợp đại diện của nhiều nhóm lĩnh vực khác nhau khiến cho các cuộc thảo luận và giải pháp luôn mang tính đa chiều và sáng tạo. |