Lạm thu núp bóng “tự nguyện”
Kinhtedothi - “Đến hẹn lại lên”, sau mỗi kỳ khai giảng năm học mới, chuyện lạm thu trong nhà trường lại trở thành chủ đề nóng ở cả trên truyền thông đến mỗi hội nhóm phụ huynh.
Có điều nghịch lý là, dù ngành chức năng đã có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể các khoản thu được phép trong nhà trường nhưng tình trạng lạm thu vẫn diễn ra, thường núp bóng dưới các tên gọi “thỏa thuận”, “tự nguyện” hay “xã hội hóa” với số tiền không hề nhỏ vẫn liệt kê thành hàng để tận thu.
Áo dài tay, áo cộc tay, áo mùa đông, áo thể dục… Số lượng đồng phục học sinh phải mua đầu năm càng ngày càng nhiều. Thậm chí có trường còn đề xuất cả đồng phục gi-le, đồng phục giày thể thao, đồng phục quần lửng, quần dài… Chưa kể cả những chi phí đầu năm như tiền điều hòa, tiền cơ sở vật chất ban đầu, tiền nước nôi, các phí tự nguyện, nói là tự nguyện nhưng phụ huynh luôn rất khó nghĩ.
Với gia đình có 2 con đang cùng đi học như thế này, chi phí đầu năm luôn là một gánh nặng lớn. Theo nhiều phụ huynh, các khoản núp bóng tự nguyện ở trường công lập thật sự là nỗi lo với phụ huynh là lao động nghèo ở thành thị. Bởi vì, nếu học phí 1 đồng thì các khoản phụ thu phải đến 10, 20 đồng.
Vào đầu năm học mới, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022 - 2023. Bộ đưa ra 8 hoạt động yêu cầu các địa phương thực hiện, trong đó có việc công khai các khoản thu, chi. Để ngăn chặn tình trạng lạm thu, các địa phương đều đã ra hàng loạt các quy định nhằm chấn chỉnh.
Riêng với Hà Nội, vấn đề lạm thu qua đồng phục được chỉ mặt điểm tên: Không được ép học sinh mua đồng phục tại trường. Nhà trường có thể cung cấp mẫu để phụ huynh chủ động sắm cho con. TP Hải Phòng cũng đã quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho khối trường công lập. Theo đó, các trường chỉ được phép thu các khoản trong danh mục.
Tuy nhiên, thực tế vẫn phát sinh nhiều khoản phụ huynh vẫn không thể từ chối. Ví như không thể không mua các loại đồng phục mà nhà trường đề ra. Bởi nỗi lo con bị lạc lõng, bị ra rìa. Nhiều phụ huynh cũng không thể phản đối tiền xã hội hóa mua điều hòa. Như vậy sẽ không hòa đồng nhu cầu của tập thể lớp. Hay những khoản thu liên kết học tiếng Anh, tin học, câu lạc bộ thể chất… cũng là khoản đóng “cần thiết” dù cho tinh thần người đóng không thật tự nguyện.
Công khai, minh bạch là liều thuốc hiệu quả nhất cho vấn đề lạm thu hiện nay. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần tăng cường giáo dục đạo đức nhà giáo, chế tài mạnh mẽ xử lý những vi phạm, tăng cường giám sát đối với các khoản thu đầu năm học của các cấp học. Quan trọng nhất là, trong khi chờ sự trung thực, tự giác của nhà trường, cần thiết phải có “gậy pháp lý” đủ mạnh để xử lý nghiêm các sai phạm, đặc biệt là phải có chế tài xử lý người đứng đầu trường học một cách quyết liệt hơn nữa, chứ không phải theo kiểu “sai thì sửa”, hay “trả lại tiền thu sai quy định” là xong.
Càng chậm giải quyết vấn đề này, những khoản lạm thu sẽ giống như con sâu làm rầu nồi canh, đôi khi làm lu mờ cả những thành tích đáng kể mà giáo dục đạt được, thay vào đó là sự ấm ức của phụ huynh và bài học “ngại lên tiếng” dành cho những đứa trẻ.
Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% học phí năm học 2022 - 2023
Kinhtedothi - Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn đưa ra tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2022 do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 9/9.
Hà Nội: Quyết nghị giao bổ sung hơn 2300 biên chế giáo viên năm học 2022-2023
Kinhtedothi-Chiều nay, 12/9, tại Kỳ họp thứ 9 - kỳ họp chuyên đề, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh tổng biên chế sự nghiệp TP năm 2022 và giao bổ sung viên chức giáo viên năm học 2022-2023.
TP Hà Nội hỗ trợ hơn 1.100 tỷ đồng học phí năm học 2022-2023
Kinhtedothi - Chiều 12/9, 100% đại biểu có mặt tán thành thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của TP Hà Nội năm học 2022-2023.