Đó là trường hợp bệnh nhi Bùi G.B. (8 tuổi, nặng 25kg) và cháu Hoàng Thị T.M. (6 tuổi, 17kg) đều ở Nghệ An, bị tim bẩm sinh. Gia đình 2 cháu cho biết, trước đó các cháu đều có một số biểu hiện như ăn uống hay nôn, ăn kém, hay kêu mệt mỏi. Khi gia đình đưa đi khám thì được chẩn đoán mắc bệnh thông liên nhĩ bẩm sinh.
TS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm tim mạch, BV Nhi T.Ư, đồng thời cũng là phẫu thuật viên chính của ca mổ cho biết, bệnh thông liên nhĩ chiếm tỷ lệ 15 - 20% trong số các bệnh lý tim bẩm sinh. Điều trị thông liên nhĩ hiện nay có hai phương pháp là can thiệp bít lỗ thông liên nhĩ bằng dụng cụ (bít dù) hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên cả hai trường hợp bệnh nhi này đều có chỉ định phẫu thuật do lỗ thông to, không thể dùng phương pháp bít dù. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cho hai bệnh nhi trên bằng phương pháp mổ nội soi ít xâm lấn qua đường nách, thay vì phương pháp mổ tim thông thường.
Thông thường, để thực hiện phẫu thuật tim hở, các bác sĩ sẽ tiếp cận đến tim qua đường mổ ở giữa xương ức. Điều này không chỉ có nguy cơ để lại sẹo mổ dài trước ngực mà còn có thể có một số biến chứng khi phải tiến hành tách xương ức.
“Thay vì phải thực hiện đường mổ dài như vậy, phương pháp phẫu thuật nội soi ít xâm lấn tiếp cận với tim bệnh nhân bằng đường rạch chỉ khoảng 4 – 5 cm ở nách. Ưu điểm rõ rệt nhất của kỹ thuật mới này là tính thẩm mỹ cao, đỡ đau hơn do vết mổ nhỏ, ít gây mất máu, nguy cơ phải truyền máu thấp, không bị biến chứng viêm xương ức. Thời gian thở máy sau mổ và thời gian điều trị hồi sức cũng được rút ngắn, thời gian hồi phục nhanh hơn rõ rệt so với những trường hợp phẫu thuật kinh điển.” – TS Nguyễn Lý Thịnh Trường chia sẻ. Cũng theo TS Trường, việc ứng dụng phẫu thuật nội soi ít xâm lấn để điều trị bệnh tim bẩm sinh, đặc biệt là ở đối tượng trẻ em, đòi hỏi các phẫu thuật viên phải có chuyên môn cao trong lĩnh vực phẫu thuật tim nhi khoa, cũng như dụng cụ phẫu thuật chuyên dụng. Đặc biệt, kết quả phẫu thuật phải tương đương hoặc tốt hơn kỹ thuật kinh điển, hạn chế tối đa các rủi ro cho người bệnh là mục tiêu hàng đầu khi triển khai kỹ thuật này.
Tuy nhiên, không phải trường hợp tim bẩm sinh nào cũng có thể áp dụng phương pháp ít xâm lấn kết hợp nội soi. Chỉ một số trường hợp có thể áp dụng kỹ thuật trên, gồm có: Thông liên nhĩ lỗ 1, lỗ 2 hoặc thông liên thất (một số trường hợp có vị trí lỗ thông phù hợp, đòi hỏi chẩn đoán chính xác tuyệt đối). Do đó, các bác sĩ sẽ xem xét và đánh giá kỹ lưỡng, chọn lựa bệnh phù hợp trước khi đưa ra phương pháp phẫu thuật.