Lầu Năm Góc nhận định lợi thế của xe tăng Abrams trên chiến trường Ukraine
Kinhtedothi - Tướng hàng đầu của Mỹ tuyên bố xe tăng M1 Abrams sẽ "tạo ra sự khác biệt" trên chiến trường Ukraine.
Phát biểu với báo giới sau khi dự cuộc họp tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức ngày 21/4, Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ ca ngợi tầm quan trọng của xe tăng chủ lực M1 Abrams sau khi được Washington chuyển giao cho Kiev.
RT dẫn phát biểu của Tướng Milley cho rằng M1 Abrams là xe tăng tốt nhất thế giới, sẽ tạo ra sự khác biệt sau khi chuyển giao.
Theo Tướng Milley, diễn biến trên chiến trường Ukraine phụ thuộc vào nhiều biến số chứ không phải một hệ thống vũ khí duy nhất, do đó, các xe tăng hiện đại của Mỹ cần được kết hợp đồng bộ với lực lượng bộ binh, pháo binh và nhiều loại vũ khí khác.
Theo hãng tin AP, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 21/4 thông báo nước này sẽ chuyển xe tăng Abrams tới Đức trong vài tuần tới.
Theo giới chức Mỹ, 31 xe tăng M1 Abrams sẽ đến Khu vực huấn luyện Grafenwoehr ở Đức vào cuối tháng 5 và quân đội Ukraine sẽ bắt đầu tham gia huấn luyện vài tuần sau đó.
Các quan chức cho biết đợt huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng xe tăng Abrams kéo dài khoảng 10 tuần. Khoảng 250 binh sĩ Ukraine sẽ tham gia khóa huấn luyện gồm vận hành xe, sửa chữa và bảo dưỡng.
Số xe tăng chiến đấu Abrams M1A1 đang được tân trang ở Mỹ và sẽ được đưa ra tiền tuyến khi sẵn sàng, đáp ứng nhu cầu của Ukraine.
Xe tăng M1 Abrams được đánh giá là một trong những loại xe tăng tốt nhất thế giới hiện nay.
Hồi tháng 1, chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo sẽ gửi 31 xe tăng Abrams cho Ukraine, sau nhiều tháng khẳng định loại xe này rất phức tạp, khó bảo trì và sửa chữa đối với Kiev. Lầu Năm Góc hồi tháng 3 cho biết, Mỹ sẽ bàn giao xe tăng Abrams cho Ukraine vào mùa thu năm nay, nhanh hơn đáng kể so với dự kiến.
Tuyên bố của Tướng Milley đưa ra trong bối cảnh các quan chức phương Tây và Ukraine nhiều lần đề cập về chiến dịch phản công quy mô lớn. Với đợt phản công này, Ukraine kỳ vọng có thể giành lại nhiều vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát.
Tuy nhiên, một số tài liệu tình báo bị rò rỉ cho thấy Mỹ bi quan về chiến dịch phản công của Ukraine khi không đủ nguồn lực và quân số để giành lại đáng kể lãnh thổ. Việc Nga đã củng cố phòng tuyến, cũng như vấn đề cung ứng đạn dược và huấn luyện có thể khiến Ukraine chịu thương vong nặng nề.
Trong khi đó, cuộc thăm dò dư luận Mỹ gần đây cho thấy sự ủng hộ của người dân đối với viện trợ Ukraine đang giảm sút. Chính quyền Washington đã cam kết hỗ trợ 113 tỷ USD cho Kiev kể từ khi bùng nổ xung đột quân sự Nga-Ukraine hồi tháng 2/2022.
Hãng tin Sputnik ngày 21/4 đưa tin một nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden ngừng viện trợ "một cách ồ ạt" cho Ukraine. Nhóm gồm 19 nghị sĩ lưỡng viện gửi thư đến ông chủ Nhà Trắng, bày tỏ lo ngại về hành động của Mỹ, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự từ hơn một năm trước "làm đảo ngược nhiều thập niên hòa bình" ở châu Âu.
Moscow cáo buộc Mỹ thu lợi từ xung đột Nga-Ukraine
Trong bài trả lời phỏng vấn đài RT ngày 21/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin nói rằng Mỹ và đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang sử dụng Ukraine "để hoàn thành các mục đích gây hấn của họ chống lại Nga".
Thứ trưởng Galuzin nói Mỹ từng tuyên bố "thất bại chiến lược" của Nga ở Ukraine là mục tiêu của Washington. Chính vì vậy, Mỹ và các đồng minh đã cung cấp vũ khí cho Kiev với quy mô chưa từng có.
Ông Galuzin nhấn mạnh: “Người hưởng lợi chính từ việc vũ trang cho Ukraine chính là Mỹ. Ngành công nghiệp quân sự của họ hiện đã được đảm bảo bằng các đơn đặt hàng trong nhiều năm tới. Mỹ đang thu lợi từ cuộc xung đột ở Ukraine".
Theo ông Galuzin, Mỹ và các đồng minh NATO muốn làm suy yếu Nga và đang sử dụng Ukraine như một công cụ để làm điều đó.
Đề cập đến đề xuất hòa bình 12 điểm của Trung Quốc đối với Ukraine, Thứ trưởng Galuzin khẳng định kế hoạch này có thể là cơ sở cho một thỏa thuận hòa bình trong tương lai. Tuy nhiên, việc nối lại đàm phán hay không là tùy thuộc vào Kiev.
Ông cho hay vào tháng 3/2022, chính Nga đã tích cực hưởng ứng đề xuất đàm phán hòa bình của Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Hai bên đã gần đạt được thỏa thuận và Nga còn chuẩn bị một dự thảo hiệp ước với Ukraine.
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine bị đình trệ từ tháng 3 năm ngoái. Trong khi đó, các nước phương Tây tiếp tục đẩy mạnh viện trợ vũ khí cho Ukraine đối phó Nga.
Phía Moscow cho rằng, quyết định của Mỹ và các nước NATO cung cấp xe tăng cho Ukraine khiến cho đàm phán giữa Nga và Ukraine trở nên “vô nghĩa”.
Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, đồng thời cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine vì điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột mà không thay đổi được cục diện cuộc chiến.
Sát thủ diệt tăng Bradley của Mỹ có mặt tại chiến trường Ukraine
Kinhtedothi - Liệu những chiếc xe chiến đấu hiện đại này có thể phát huy được hiệu quả trên chiến trường Ukraine, hay sẽ trở thành mục tiêu cho quân đội Nga?
Nga lên tiếng trước khả năng Hàn Quốc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine
Kinhtedothi - Điện Kremlin cảnh báo rằng Hàn Quốc đang trên đường can thiệp sâu vào xung đột giữa Nga với Ukraine.
NATO: Ukraine sẽ là thành viên của khối, nhưng trước hết phải thắng Nga
Kinhtedothi - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết Ukraine sẽ trở thành thành viên của khối, nhưng "không ích gì khi thảo luận về tư cách thành viên này cho đến khi cuộc xung đột với Nga được giải quyết".