Lò gạch thủ công giáp ranh giữa xã Liên Trung và xã Đại Mạch: Vì sao vẫn tồn tại?
Kinhtedothi - Mặc dù, các địa phương trên toàn TP đã quyết liệt vào cuộc xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, cây trồng của người dân.
Nhưng đến nay, tại vùng bãi nổi sông Hồng giáp ranh giữa xã Liên Trung, huyện Đan Phượng và xã Đại Mạch, huyện Đông Anh vẫn tồn tại 2 lò gạch thủ công đang ngày, đêm nhả khói.
Để làm rõ nội dung thông tin phản ánh, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã mục sở thị hoạt động của lò gạch thủ công. Qua đó xác định, tại vị trí bãi nổi ở đây rộng gần 100ha là vùng đất sản xuất nông nghiệp của người dân xã Liên Trung và Đại Mạch. Tại đây, nhiều năm về trước, hai địa phương đã cùng phối hợp xử lý, tháo dỡ, thậm chí cưỡng chế hàng chục lò gạch thủ công. Tuy nhiên, đến nay quanh khu vực những thùng vũng rộng hàng 1.000m2, sâu 6 - 8m do bị đào xới lấy đất sản xuất gạch và liền kề các thửa ruộng trồng rau của người dân vẫn còn 2 lò gạch thủ công rộng khoảng 100m2/lò đang ngày, đêm nhả khói. Tại đây, luôn có hàng chục lao động và xe ô tô hoạt động sản xuất, vận chuyển gạch.
Qua tìm hiểu được biết, xã Liên Trung trước đây có gần 40 lò gạch thủ công đã bị tháo dỡ và cưỡng chế xong từ năm 2012. Còn, xã Đại Mạch có gần 50 lò gạch thủ công cũng đã được tổ chức cưỡng chế xong đầu năm 2014. Nhưng, không hiểu lý do gì từ đó đến nay tại vùng bãi nổi này vẫn ngang nhiên tồn tại 2 lò gạch thủ công của ông Phú (người dân ở thôn Trung, xã Liên Trung). 2 lò gạch này nhiều năm qua vẫn đều đặn nhả khói và hiện ông Phú đang sử dụng hàng chục ngàn mét vuông đất bãi để làm nhà ở cho công nhân và sản xuất gạch, than mà không phải nộp tiền thuê đất cho Nhà nước (?).
Trao đổi với phóng viên về sự tồn tại của 2 lò gạch thủ công tại vùng bãi nổi, Chủ tịch UBND xã Liên Trung Hoàng Văn Hanh thừa nhận và cho biết, việc xử lý lò gạch của ông Phú đang trong giai đoạn đối chiếu, xem xét để xác minh làm rõ xem lò gạch thuộc địa giới hành chính của địa phương nào để làm cơ sở giải quyết. "Tuy nhiên, tại bản đồ qua các thời kỳ địa phương còn lưu giữ thì 2 lò gạch thủ công của ông Phú đang nằm trên đất xã Đại Mạch” - ông Hoàng Văn Hanh cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng TN&MT huyện Đông Anh Nguyễn Lê Hiến khẳng định: “Giữa năm 2014, huyện Đông Anh đã xóa bỏ xong lò gạch thủ công. Tuy nhiên, do gần đây UBND xã Liên Trung và các phòng, ban chuyên môn của huyện Đan Phượng cho rằng 2 lò gạch thủ công còn lại của ông Phú đã hoạt động nhiều năm qua nằm trên phần đất bãi nổi của xã Đại Mạch. Qua kiểm tra, đối chiếu các tài liệu văn bản có giá trị pháp lý, sơ bộ hiện nay xác định, 2 lò gạch thủ công của ông Phú đang nằm trên đất xã Đại Mạch. Tuy nhiên, phải chờ đến khi có kết quả cuối cùng mới xác định được các lò gạch này có nằm trên đất của xã Đại Mạch hay không (?). Nếu đúng, UBND huyện Đông Anh sẽ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cùng UBND xã phối hợp tuyên truyền, vận động ông Phú tự tháo dỡ công trình. Trường hợp chủ lò không chấp hành, UBND huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ tổ chức cưỡng chế công trình theo quy định”.