Lo ngại về trưng cầu dân ý Italia, chứng khoán toàn cầu lao đao
Kinhtedothi – Đồng USD tăng giá, trong khi chứng khoán toàn cầu lao đao trước rủi ro của châu Âu khi Italia thực hiện trưng cầu dân ý vào ngày 4/12.
Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 101,16 điểm, cao hơn rất nhiều so với mức thấp nhất sáng qua là: 100,64 điểm. Trước đó, DXY đã lên mức cao nhất 13 năm ở mức: 102,05 điểm. Tỷ giá đồng USD tăng so với Bảng Anh lên mức: 1,2414 USD đổi 1 Bảng Anh so với mức 1,2451 USD đổi 1 bảng Anh cuối tuần trước.
Một sàn giao dịch ở thị trường phố Wall. |
Giá dầu thế giới vẫn đang lên xuống thất thường, khi các nhà đầu tư bồn chồn “đếm ngược” cho tới cuộc họp của nhóm nước thành viên OPEC vào ngày 1/12 tới. Trong khi, các mặt hàng công nghiệp tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao của thị trường Trung Quốc.
Chỉ số MSCI của thị trường châu Á – Thái Bình Dương giảm giá sau hai ngày tăng liên tiếp, chỉ số Nikkei của thị trường Nhật Bản giảm 0,2%. Còn tại thi trường phố Wall, các chỉ số chính cũng giảm điểm, với chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,3% xuống 19.097,90 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 0,5% xuống 2.201,72 điểm.
Cuối phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 0,6% xuống 6.799,47 điểm. Còn trên sàn giao dịch Frankfurt, chỉ số DAX 30 hạ 1,1 xuống 10.582,67 điểm và chỉ số CAC 40 giao dịch tại Paris giảm 0,9% xuống 4.510,39 điểm.
Tại châu Âu, giá cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng Italy sụt giảm bao phủ lên toàn bộ sàn chứng khoán của khu vực, trong bối cảnh có những quan ngại xung quanh cuộc trưng cầu ý dân vào cuối tuần này ở Italia. Giá cổ phiếu của ngân hàng hàng đầu Italia là UniCredit giảm 5,7%, trong khi giá cổ phiếu của ngân hàng lớn thứ hai nước này là Intesa Sanpalo giảm 4,2%.
Tâm lý quan ngại này cũng phủ khắp châu Âu, với giá cổ phiếu của ngân hàng Royal Bank (Scotland) giảm 3%, giá cổ phiếu ngân hàng Deutsche Bank giảm 2,4% và của ngân hàng Societe Generale giảm 2,1%. Cảnh sát Italia đã phải tăng cường an ninh ở mức cao nhằm ngăn không để xảy ra các tình huống xấu.
Các nhà tổ chức ước tính lượng người tham gia cuộc biểu tình này vào khoảng 50.000 người. Vào ngày 4/12, cử tri Italia sẽ đi bỏ phiếu để quyết định ủng hộ hay phản đối việc xây dựng lại Hiến pháp của nước này trong bối cảnh sự lo lắng đang hiện hữu khắp nơi. Hiện cả phái ủng hộ lẫn phái phản đối cải cách Hiến pháp đều đang tranh thủ vận động người dân.
Sự cải cách Hiến pháp của Thủ tướng Matteo Renzi được coi là sự cải cách lớn và có khả năng diễn ra những thay đổi mang tính bước ngoặt, theo đó sẽ vạch ra một đường hướng mới cho Italia trong nhiều thập kỷ tới. Hầu hết các các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy Thủ tướng Renzi sẽ thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp và có nguy cơ sẽ phải từ chức.