Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Loay hoay giảm bạo lực lễ hội

Kinhtedothi - Trở thành một trong những “điểm nóng” của bạo lực lễ hội nhưng không thể cấm tổ chức hội Cầu Trâu xã Xuân Quang, xã Hương Nha và Hội Phết xã Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).

Đó là quan điểm được các nhà khoa học và người dân địa phương đưa ra trong hội thảo sáng 9/11. Rất nhiều kịch bản đã được vẽ ra cho mùa lễ hội sau, kể cả phương án thay thế trâu thật bằng trâu giấy để giảm tránh cảnh giết thịt, đổ máu.
Thổi phồng bạo lực
Các nghi thức cầm vồ đập đầu trâu đến chết rồi đem giết thịt tế lễ, hay đổ xô tranh cướp phết không phải mới xuất hiện ở Lễ Cầu Trâu và Hội Phết Hiền Quan. Tại hội thảo, các nhà khoa học đưa ra các bằng chứng, bút tích, phả tích khẳng định đây là những lễ hội truyền thống có từ hàng trăm năm nay. Thậm chí, GS.TS Lê Hồng Lý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa còn khẳng định nhiều nghi thức của 2 lễ hội này là nghi thức cổ, gắn với lịch sử dựng nước của đất Tổ vua Hùng cần được lưu giữ và bảo tồn.

Cảnh giẫm đạp lên nhau cướp phết cầu may tại Hội Phết Hiền Quan.

“Nếu không bị phản ánh là lễ hội bạo lực, địa phương đã làm hồ sơ đề nghị Bộ VHT&DL công nhận Hội Phết là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia” – ông Đặng Đình Thuận – Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở VHTT&DL Phú Thọ khẳng định. Trong tiềm thức của những bậc cao niên xã Hiền Quan, mỗi ngày hội cướp phết diễn ra, người già nô nức, thanh niên trai tráng luyện tập thể thao để tranh tài giành phết, nữ tú luyện ca cùng các trò diễn xướng như cày, bừa, tát nước, cướp kèn… Không khí thiêng liêng của các lễ hội được gắn trong truyền thuyết của tướng tài Cao Sơn, Quý Minh thời vua Hùng và nữ tướng Thiều Hoa công chúa thời Hai Bà Trưng.
Thế nhưng, vài năm trở lại đây, các lễ hội này được truyền thông gắn với các cụm từ: Tranh cướp, vung dao, man rợ, phản cảm…, thậm chí là đổ máu và chết người. “Trên thực tế vài chục năm tổ chức, Hội Phết Hiền Quan chưa bao giờ xảy ra tình trạng ngất xỉu hay chết người. Chủ yếu do truyền thông thổi phồng bạo lực” – ông Bùi Đức Hạnh – Chủ tịch UBND xã Hiền Quan cho biết. Do được nhắc nhiều nên du khách bốn phương ùn ùn đổ về với Hội Phết Hiền Quan. Không gian của hội làng trở nên chật hẹp, hỗn độn. Chính vì vậy, ngày 9/11, các GS, TS và những nhà quản lý văn hóa đã ngồi lại với Nhân dân 3 xã Xuân Quang, Hương Nha, Hiền Quan để bàn tính phương án tổ chức các mùa lễ hội sau.
Bỏ ngỏ các phương án
Chủ tịch UBND xã Hiền Quan Bùi Đức Hạnh đề xuất mùa lễ hội năm 2017 tăng cường lực lượng công an, bảo vệ cho lễ hội để giảm tranh cướp. Nhưng rõ ràng bài học từ Lễ hội đền Trần (Nam Định), có quan chức hóa, công an hóa cũng không thể dẹp loạn cướp ấn. Chính vì vậy, nhiều ý kiến không đồng tình chỉ dành giải pháp tăng cường an ninh để giảm bạo lực Hội Phết Hiền Quan, mà cần thay đổi hình thức tổ chức. Các nhà khoa học cho rằng truyền thống của Hội Phết không phải là cướp phết mà là đánh phết. “Hội Phết nên trở lại hình thức đánh phết. Trong lễ hội không chỉ bố trí một sân chơi mà 3 - 4 sân chơi đánh phết để mọi người tham gia” – TS Lê Thị Minh Lý – nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nêu ý kiến. Khi đánh phết trở thành một thứ nghệ thuật trình diễn thì sẽ không bị thổi thiêng. Tuy nhiên, phương án này đang được chính quyền địa phương bỏ ngỏ vì cướp phết thành trò chơi trình diễn sẽ biến đổi nghi thức truyền thống của lễ hội.
Bên cạnh Hội Phết, nhiều ý kiến cũng tập trung đề xuất phương án thay vồ gỗ đập đầu trâu đến chết làm thịt bằng vồ mút cho Lễ Cầu trâu. Ngoài ra, cũng giống như Lễ hội chém lợn Ném Thượng (Bắc Ninh), cần đưa lễ giết thịt làm lễ vào thành lễ mật, làm tại chỗ kín. Hầu hết người dân địa phương đều đồng tình với cách thức tổ chức trên để giảm cảnh bạo lực và phản ứng với ý kiến làm trâu bằng giấy thay cho trâu thật của ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL). “Lễ hội là của dân, do dân làng quyên tiền tổ chức. Nếu làm trâu bằng giấy thì không ai xem đâu. Họ sẽ về luôn” – ông Phan Văn Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông bày tỏ.
Hội thảo bảo tồn phát huy giá trị văn hóa Lễ Cầu trâu và Hội Phết chưa đưa ra kết luận cuối cùng về phương án tổ chức, mà phải chờ kết luận chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên. Mùa lễ hội 2017 đã sắp tới, những lễ hội đang được cho là bạo lực này đang gấp rút đưa ra phương án tổ chức cuối cùng để giảm tránh những phản cảm, làm ảnh hưởng đến giá trị văn hóa, mang lại đời sống tinh thần cho Nhân dân của hơn 8.000 lễ hội trên cả nước.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ