Monday, 10:22 03/10/2016
Mất tiền gửi tiết kiệm: Thêm lời cảnh báo cho ngân hàng
Nhiều trường hợp tiền gửi của khách tại ngân hàng (NH) "không cánh mà bay" được ghi nhận thời gian gần đây với nhiều hình thức khác nhau.
Sẽ là rất nghiêm trọng với cả hệ thống NH nếu liên tiếp xảy ra các vụ mất tiền tỷ gửi tiết kiệm của người dân.
Gửi tiết kiệm, bị người khác rút mất
Sau vụ một nữ doanh nhân tố mất 26 tỷ đồng tại VPBank, gần đây, các NH Vietcombank, VPBank, SCB, BIDV, Eximbank… liên tục gặp khủng hoảng do bị khách hàng khiếu nại tiền trong tài khoản của họ bốc hơi hoặc đột nhiên được chuyển chủ.
Mới đây, bà Hoàng Thị Phong (SN 1960, trú tại thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) phản ánh bị mất 200 triệu đồng ở sổ tiết kiệm. Đáng chú ý, chỉ với giấy xác nhận mất CMND, đối tượng dễ dàng rút 200 triệu đồng từ sổ tiết kiệm của bà Phong. Hay như sự vụ một khách hàng phản ánh ngày 19/11/2015, khi đến SCB để rút tiền mua nhà thì được nhân viên của NH thông báo số tiền 4 tỷ đồng đã bị rút từ ngày 5/10/2015. Thời điểm bị rút tiền, vị khách trên nêu không nhận được tin nhắn của NH. Lãnh đạo SCB thừa nhận, nhân viên NH đã có sai sót khi quá nể khách VIP mà chấp nhận cho khách giao dịch qua điện thoại thay vì đến tại quầy hoặc có giấy ủy quyền.
Một vụ cũng gây chấn động gần đây là việc bà Ngô Phương Anh (57 tuổi), ở Đà Lạt (Lâm Đồng) báo mất 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại BIDV từ thủ tục chuyển nhượng sổ tiết kiệm và chỉ sau 2 tháng nhận sổ tiết kiệm mới, bà mới phát hiện toàn bộ số tiền đã bị mất.
Tiền trong thẻ ATM biến mất do bị hack tài khoản, bị trộm pass là chuyện đã được ghi nhận trên thế giới. “Nhưng nếu tiền gửi tiết kiệm mà bị mất hoặc đột nhiên được chuyển chủ quả là rất nghiêm trọng với cả hệ thống NH. Mặc dù mới đang xảy ra khiếu kiện, chưa phân rõ đúng sai nhưng vấn đề này khiến nhiều người giật mình” - một luật sư bình luận.
Lỗ hổng quy trình hay có sự cấu kết?
Về mặt pháp lý, tiền tiết kiệm được người dân đem gửi NH bên cạnh mục đích lấy lãi còn là cách cất giữ tiền an toàn. Phải thừa nhận, nhiều trường hợp người gửi tiền có lỗi khi thiếu hiểu biết ký vào các tờ giấy trắng do chính các nhân viên NH đưa cho. Những tờ giấy có chữ ký khống của người gửi tiền này sau đó đã được sử dụng trong việc chiếm đoạt tiền của chính người gửi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận trách nhiệm của NH. NH phải kiểm soát việc rút tiền qua nhiều quy trình, nhiều bậc nhằm đảm bảo người rút tiền là “chính chủ” hay không.
Trong đại án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như dễ dàng rút ruột được NH hàng nghìn tỷ đồng bằng những thủ thuật làm giả giấy tờ đã cho thấy nhiều lỗ hổng về mặt quản lý tài sản của các NH. Vụ mất 50 tỷ đồng tại Eximbank chi nhánh Vinh (Nghệ An) đang được đưa ra xét xử, thủ phạm chính là nhân viên của NH. Lợi dụng sự dễ dãi của khách hàng, nhân viên tên Lam dễ dàng chiếm đoạt số tiền lên tới gần 50 tỷ đồng. Để có được chữ ký của khách hàng, Lam đã lợi dụng các mối quan hệ thân quen, lừa khách hàng ký vào các bản khống chỉ, sau đó tự viết tay những yêu cầu về nội dung (cần rút hoặc chuyển khoản bao nhiêu tiền) để nhân viên NH trực tiếp đánh máy vào các bản khống chỉ đã có chữ ký của khách hàng rồi trình kiểm soát viên ký duyệt. Ngoài ra, ở một số bản khống chỉ, Lam còn giả mạo chữ ký của khách hàng. Từ năm 2013, Lam đã nhiều lần rút tiền và lần nào cũng "dễ như lấy đồ trong túi". Và suốt thời gian đó, cả Eximbank và khách hàng đều không hề hay biết.
Từng làm trong lĩnh vực NH, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay, nếu theo đúng quy trình khắt khe của NH thì không dễ gì tiền bị thất thoát. Chỉ có sự lỏng lẻo hoặc có sự câu kết của nhân viên phụ trách mới dẫn đến khủng hoảng chữ ký ở NH như hiện nay. Cũng theo ông Hiếu, các lý do đưa ra để biện minh cho việc chủ DN không trực tiếp đến NH thực hiện thủ tục mở tài khoản tại NH như quá bận hay NH tạo môi trường thông thoáng cho DN mở tài khoản là khó chấp nhận. Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc thanh tra nhằm siết lại quy trình và kỷ luật tiền tệ tại các NH là việc cấp thiết được đặt ra.